Xếp hàng chờ khám bệnh từ nửa đêm: Làm sao giảm tải bệnh viện tuyến cuối?

Bệnh nhân từ các tỉnh thành đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám, chữa bệnh rất đông – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Tuyến tỉnh đổ về ngày càng đông

TS Diệp Bảo Tuấn

TS Diệp Bảo Tuấn

* Thưa ông, gần đây người bệnh đến Bệnh viện Ung bướu thăm khám gia tăng ra sao?

– Hiện Bệnh viện Ung bướu mỗi ngày có khoảng 4.700 – 4.800 lượt bệnh nhân đến khám, tăng 8-10% so với trước đây.

Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khu vực (trước đây tỉ lệ này khoảng 75%), số lượng bệnh nhân ở TP.HCM đến khám không biến động nhiều (khoảng 700 – 750 bệnh nhân mỗi ngày).

Năm 2023 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 hoạt động với quy mô 1.000 giường tiêu chuẩn quốc tế và nhiều máy móc hiện đại. Đến nay cơ sở này thường xuyên có 800 – 900 bệnh nhân nội trú (công suất giường nội trú 90-95%), còn 100 – 200 giường để tiếp nhận bệnh nặng, bệnh cấp cứu.

Như vậy, tại cơ sở 2 hiện không quá tải về giường nội trú, vẫn bảo đảm mỗi bệnh nhân đều có một giường điều trị, không nằm ghép.

* Khi số lượng người bệnh gia tăng, đặc biệt từ các tỉnh đổ về, tình trạng xếp hàng từ nửa đêm không còn hiếm gặp…

– Bệnh nhân đến khám bệnh tại bệnh viện thường tập trung buổi sáng từ 5h đến 10h. Đa số là bệnh nhân tỉnh, nhiều người di chuyển bằng xe khách đến bệnh viện thăm khám từ sớm với tâm lý khám sớm về sớm.

Sở dĩ lượng bệnh nhân đến khám bệnh tăng là bệnh viện có cơ sở mới khang trang, rộng rãi (cơ sở 2, tại TP Thủ Đức) và chất lượng chuyên môn nâng cao tạo được uy tín cho người dân đến khám và điều trị, đặc biệt từ các tỉnh.

Tuy nhiên, bệnh nhân đến khám bệnh quá đông, đặc biệt là chỉ tập trung vào các khung giờ buổi sáng sẽ gây kéo dài thời gian chờ khám bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh và tăng thời gian chờ điều trị bệnh.

Bên cạnh đó, điều này còn khiến các bác sĩ chỉ tập trung vào công tác khám chữa bệnh, ít có thời gian nghiên cứu các kỹ thuật mới, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

* Bệnh viện đã chủ động giải quyết bài toán giảm tải những năm qua ra sao?

– Để giải quyết bài toán trên, từ nhiều năm qua bệnh viện đã nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để từng bước giảm tải thời gian cho người bệnh. Hiện nay khi số lượng người bệnh ngày càng tăng, chúng tôi đang thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp.

Đầu tiên là tăng thời gian khám chữa bệnh bằng cách đã triển khai khám sớm từ lúc 5h sáng mỗi ngày, khám và điều trị thông tầm (12h-13h), ngoài giờ hành chính (16h30-20h) và khám, điều trị cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật.

Bên cạnh đó, bệnh viện liên tục tăng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân, tuyển dụng thêm các vị trí bác sĩ, điều dưỡng…

Đối với lĩnh vực công nghệ, bệnh viện không ngừng cải tiến quy trình khám chữa bệnh, áp dụng công nghệ thông tin vào việc hẹn khám chữa bệnh như lấy số qua app, qua trang web, qua tổng đài hẹn bệnh…

Đặc biệt, bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện khác, nhất là các bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết như chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện làm xét nghiệm, chụp MRI… nhằm giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.

Phải có giải pháp triệt để

* Các giải pháp mà bệnh viện triển khai đã mang lại hiệu quả ra sao cho người bệnh, thưa ông?

– Trước mắt các biện pháp bệnh viện áp dụng đã giảm được đáng kể thời gian chờ đợi cho người bệnh do tăng công suất làm việc. Chẳng hạn việc làm thêm giờ, tăng số giờ mổ ngoài giờ hành chính đã giải quyết thêm khoảng 25% bệnh nhân.

Đáng nói những năm qua, chúng tôi luôn tích cực công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho các bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện tuyến dưới. Điển hình như mới đây, bệnh viện đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và Gia Lai để chuyển giao kỹ thuật hóa trị và phẫu trị để điều trị bệnh ung thư.

Tổ chức các lớp đào tạo, cử chuyên gia về hỗ trợ trực tiếp tại hai bệnh viện với các kỹ thuật như đặt buồng tiêm dưới da có hướng dẫn của siêu âm, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ trên siêu âm (FNA/SA), giải phẫu bệnh, chăm sóc giảm nhẹ…

Điều này giúp từng bước nâng cao chuyên môn và uy tín, từ đó giúp giữ bệnh nhân khám và điều trị các bệnh ung bướu, nhất là các bệnh thông thường tại địa phương mình. Dẫn chứng là một số tỉnh thành hiện nay đã có lượng bệnh nhân ung bướu đủ đông để có thể xây dựng bệnh viện chuyên điều trị ung bướu như Cần Thơ, Kiên Giang, Khánh Hòa…

* Để giải quyết được bài toán quá tải tại các bệnh viện, vấn đề mấu chốt và cốt lõi nhất là gì?

– Để giảm tải cho tuyến trên, giải pháp triệt để là phải đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo niềm tin cho người dân tại các bệnh viện tuyến dưới là rất quan trọng. Các tỉnh cần tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để có thể điều trị bệnh nhân tại địa phương mình, giúp bệnh nhân giảm chi phí đi lại và tiện lợi khi điều trị.

Riêng với Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi mong TP sớm phê duyệt đầu tư Trung tâm khám sức khỏe và phát hiện bệnh sớm tại cơ sở cũ của bệnh viện (số 3 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) để giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh, nhất là bệnh ung thư, từ đó điều trị hiệu quả và giảm thời gian điều trị hơn.

Ngành y tế TP.HCM từng bước giảm tải bệnh viện

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có 129 bệnh viện (gồm 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành, 32 bệnh viện TP, 19 bệnh viện quận huyện và 66/335 bệnh viện tư nhân trên toàn quốc)…

Trong đó, 22 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, phát triển y tế chuyên sâu hàng đầu của khu vực phía Nam.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng quá tải tuyến cuối như không tin tưởng dịch vụ y tế tuyến dưới, trang thiết bị y tế tuyến dưới chưa đáp ứng nhu cầu…

Nhiều bệnh viện tại TP.HCM cũng đã gấp rút triển khai nhiều ứng dụng công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào áp dụng khám chữa bệnh. Người bệnh tiết kiệm thời gian nhận kết quả, nhanh, gọn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng phải xếp hàng chờ đợi…

Ngành y tế TP đã ký hợp tác với ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng.

Ngoài ra tập trung nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở nhằm thu hút người bệnh, thúc đẩy các dự án trọng điểm…

Đi khám bệnh lúc nửa đêmĐi khám bệnh lúc nửa đêm

0h, thậm chí sớm hơn nữa, nhiều người đã lục đục đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM để chuẩn bị khám bệnh. Họ gắng tranh thủ xếp hàng bốc số khám từ lúc mặt trời chưa lên, nhưng vẫn cười mếu khi thấy nhiều người còn tới trước mình từ lúc nào.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *