Từ lâu chúng ta đã biết ánh sáng từ bóng đèn hay từ điện thoại thông minh (smartphone) vào ban đêm có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Nghiên cứu được thực hiện trên gần 85.000 người trong độ tuổi từ 40 – 69. Họ được đeo vòng tay 24h/ngày trong 1 tuần để theo dõi sự tiếp xúc với các mức độ ánh sáng khác nhau.
Theo trang ScienceAlert ngày 2-7, những tình nguyện viên được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 sau này cho thấy họ đã tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong khoảng thời gian từ 0h30 và 6h trong suốt thời gian nghiên cứu kéo dài 1 tuần nói trên.
Kết quả nghiên cứu không cho thấy mối quan hệ nhân quả, song cho thấy mối quan hệ phụ thuộc vào cường độ ánh sáng mạnh hơn vào nửa đêm và nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa.
Những người tham gia nghiên cứu nằm trong nhóm 10% tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn tới 67% so với những người nằm trong nhóm 50% tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm ít nhất.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, bao gồm ánh sáng vàng từ đèn đọc sách hay ánh sáng xanh từ smartphone hoặc tivi, đều khiến con người khó ngủ hơn.
Các yếu tố như giới tính, nguy cơ di truyền đái tháo đường, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, hút thuốc hay uống rượu đều không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Một số nghiên cứu khác trong những năm gần đây cũng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ở người và động vật có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến giảm dung nạp glucose, thay đổi việc tiết ra insulin và làm tăng cân.
Tất cả những điều này đều liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường type 2.
“Khuyến nghị mọi người tránh ánh sáng ban đêm là một khuyến nghị đơn giản và tiết kiệm có thể làm giảm gánh nặng sức khỏe toàn cầu do bệnh đái tháo đường type 2 gây ra”, các tác giả nghiên cứu, do các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Úc) dẫn đầu, kết luận.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Regional Health – Europe.