Chủ động cung ứng nguồn vắc xin cho nước nhà
Lễ ký kết diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Pháp của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, với những định hướng mạnh mẽ về việc nâng cao hợp tác giữa hai quốc gia trong khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo về thương mại, đầu tư. Trong đó, lĩnh vực y tế vốn có truyền thống hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp.
Trong hợp tác lần này, Sanofi sẽ chia sẻ kiến thức và chuyên môn rộng rãi về công nghệ sinh học với VNVC để tạo điều kiện cho việc dần đưa vào sản xuất các vắc xin thiết yếu tại nhà máy của VNVC ngay tại Việt Nam.
Hợp tác quan trọng này không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin dễ dàng hơn cho người dân Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo nguồn cung vắc xin ổn định, chủ động và tiết giảm đáng kể nhiều chi phí.
Có mặt tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Pháp, chuyên gia về vắc xin cho biết đây là sự kiện đáng ghi nhớ trong lĩnh vực sản xuất vắc xin của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ký kết định hướng hợp tác về chuyển giao kỹ thuật với tập đoàn hàng đầu thế giới như Sanofi để sản xuất các vắc xin quan trọng ngay tại Việt Nam.
Theo bà Tiến, các luật Dược, luật Đầu tư và luật Thuế sắp được Quốc hội ban hành sẽ tạo điều kiện tối đa cho việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cao, đặc biệt là các loại biệt dược và vắc xin. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển, đồng thời đảm bảo việc người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận các sản phẩm thuốc và vắc xin công nghệ cao.
Nâng tầng hợp tác của Việt Nam và Pháp
Ông Burak Pekmezci, Giám đốc Quốc gia Sanofi Việt Nam nói: “Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất vắc xin, Sanofi mong muốn được chia sẻ kiến thức và đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế cũng như nâng cao sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam”.
Ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp cũng đánh giá cao hợp tác của VNVC và Sanofi là sự tiếp nối chủ trương nâng tầm hợp tác của Việt Nam và Pháp, cụ thể trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hợp tác sản xuất vắc xin giữa hai doanh nghiệp lớn của hai nước. Hợp tác y tế giữa hai quốc gia cũng luôn được lãnh đạo cấp cao và các nhà chuyên môn, hoạch định chính sách của hai phía chú trọng từ xưa đến nay.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết sắp tới VNVC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin và sinh phẩm với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới theo tiêu chuẩn EU GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) tại tỉnh Long An.
VNVC chú trọng hợp tác đầu tiên với Sanofi nhằm tiến tới sản xuất một số loại vắc xin và thuốc sinh học quan trọng, từ đó chủ động cung ứng cho Việt Nam.
“Lễ ký kết này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận và hợp tác, tập trung vào chia sẻ kiến thức, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ, dựa trên các điều khoản thỏa thuận chung, phù hợp với các mục tiêu chiến lược của cả VNVC và Sanofi”, ông Ngô Chí Dũng chia sẻ.
Trong 8 năm qua, VNVC đã rất nỗ lực để đàm phán, nhập khẩu số lượng lớn các loại vắc xin quan trọng, vắc xin thế hệ mới. Tuy nhiên, hoạt động này phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển và tốn nhiều thủ tục, thời gian cũng như chi phí. Chưa kể, nhiều loại vắc xin quan trọng khác hiện nay đang được phân bổ cho các quốc gia có dịch bệnh hoặc thị trường ưu tiên.
Vì vậy, việc nỗ lực để tham gia các chuỗi sản xuất của các hãng vắc xin là chiến lược quan trọng để sản xuất vắc xin chủ động, hạn chế việc thiếu hụt vắc xin, đồng thời giúp Việt Nam chủ động trong các chiến lược phòng chống dịch.
VNVC có bao nhiêu loại vắc xin của Sanofi?
Hiện VNVC đang triển khai tiêm 10 loại vắc xin của Sanofi gồm: 6 trong 1 Hexaxim, 5 trong 1 Pentaxim, 4 trong 1 Tetraxim, 3 trong 1 ngừa bạch hầu ho gà uốn ván Adacel, viêm não Nhật Bản Imojev, dại Verorab, viêm màng não do não mô cầu Menactra, viêm gan A Avaxim, cúm tứ giá Vaxigrip Tetra, thương hàn Typhim VI.
Theo kế hoạch, VNVC sẽ đàm phán để từng bước tham gia sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ của một số loại vắc xin trong danh mục này của Sanofi.