Tại cuộc tọa đàm “Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa” do Newtechco và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cho biết ngành dược có sự phát triển mạnh, bình quân tiền thuốc/người đạt 70 USD năm 2023, gấp 10 lần so với năm 2000.
Tuy nhiên, công nghiệp dược Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, cả nước chỉ có 17/250 nhà máy sản xuất thuốc đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) tiên tiến, theo tiêu chuẩn của các nước EU, Nhật…, khó khăn trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới.
“Việt Nam chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung với một hệ sinh thái bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tương đương sinh học, sinh khả dụng, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm…” – ông Truyền đặt vấn đề.
Trong khi đó, ông Truyền cho rằng cấu trúc thị trường dược phẩm sẽ chuyển từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học trong thập kỷ tới và sẽ chiếm khoảng 40% thị phần do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật.
“Cần có chính sách đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có, hỗ trợ cho các doanh nghiệp dược xây dựng và phát triển nhà máy mới” – ông Truyền đặt vấn đề.
Hiện tại, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đang tham gia triển khai dự án khu công nghiệp dược – sinh học tại tỉnh Thái Bình. Dự án này đang được các nhà đầu tư Singapore và Việt Nam quan tâm, các thủ tục đang được triển khai để 2025 khởi công. Đây là dự án khu công nghiệp dược – sinh học đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án này sẽ thu hút các nhà sản xuất thuốc, thiết bị y tế trên thế giới về Việt Nam sản xuất, đồng thời là cơ hội để các nhà máy sản xuất thuốc Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ các thuốc mới, thuốc sinh học, trong đó có cả thuốc điều trị ung thư và các bệnh tiểu đường, tim mạch mới.
Từ đó, giá thuốc sẽ rẻ hơn với chất lượng thuốc tương đương thuốc sản xuất tại các nhà máy toàn thế giới.