Bà T. (trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), có con trai điều trị ngoại trú tại bệnh viện này, cho biết con của bà không được nhận thuốc concerta khoảng 5 tháng nay và thay bằng thuốc piracetam.
“Thời gian thiếu thuốc concerta quá dài, trong khi bác sĩ chỉ kê piracetam vốn là thuốc hỗ trợ an thần, bổ não. Con tôi không thể tập trung được nên phải bảo lưu 2 học kỳ chờ thuốc. Thuốc phải kê đơn mà bác sĩ không cấp đơn thuốc concerta để tôi mua ngoài”, bà T. cho biết.
Trả lời phản ánh, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc – giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng – cho hay concerta là thuốc nằm trong danh mục đấu thầu cũ đã hết hạn từ cuối năm 2023.
Trong khi chờ Luật Đấu thầu mới, tất cả hoạt động mua sắm thuốc của các bệnh viện phải chờ các văn bản hướng dẫn. Đây là loại thuốc được quản lý rất chặt, không bán ở các quầy thuốc bên ngoài nên bác sĩ không kê đơn cho người nhà tự mua.
Ông Ngọc cho hay ngoài lý do vướng đấu thầu, còn nhiều yếu tố khác dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ tạm thời. “Hằng năm, bệnh viện phải làm dự trù số thuốc dựa theo số lượng bệnh nhân, nắm sát số lượng tiêu thụ bao nhiêu mới gửi Sở Y tế phê duyệt để được mua. Dự báo có thể không khớp tình hình thực tế do có những đột biến về số lượng bệnh nhân.
Nếu mua nhiều về thì sẽ dôi dư khi số lượng bệnh nhân ít, sẽ hết hạn gây lãng phí. Trong khi thuốc này không phải chỉ định cho nhiều bệnh và giá thành lại khá cao, mỗi viên khoảng 60.000 đồng”.
Lý giải thêm vấn đề này, ông Ngọc cho hay những năm gần đây, số lượng người nước ngoài đi du lịch, công tác đến Đà Nẵng bị chứng giảm chú ý khá nhiều. Đây là lượng bệnh nhân khó dự báo được. Thuốc lệ thuộc nhiều yếu tố, có giai đoạn bệnh viện đủ điều kiện mua nhưng hãng dược không có để cung cấp vì là thuốc nhập khẩu hoàn toàn.
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho hay gói thầu chính do Sở Y tế chịu trách nhiệm cho tất cả các bệnh viện có hiệu lực từ tháng 4-2025. Trong thời gian chờ gói này, bệnh viện tự tổ chức đấu thầu gói 9 tháng, sẽ bắt đầu có thuốc từ cuối tháng 10-2024 (bao gồm thuốc concerta).
Trong khi không có thuốc concerta, các bác sĩ phải kê piracetam là thuốc điều trị tuần hoàn não để thay thế tạm thời.
Bác sĩ Ngọc cũng lưu ý việc điều trị tăng động, giảm chú ý cần kết hợp nhiều phương pháp. Trường hợp thiếu concerta, bệnh nhân có thể dùng các thuốc an thần thay thế được bác sĩ kê đơn để hỗ trợ.
Ngoài thuốc, bệnh nhân nên kết hợp thêm các phương pháp trị liệu về tâm lý, hành vi, kỹ thuật trị liệu… có sự phối hợp giữa bác sĩ và gia đình, tùy đặc điểm mỗi bệnh nhân để tăng hiệu quả điều trị.