Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Ung bướu cũng là 1 trong 12 thành tựu y khoa nổi bật Việt Nam năm vừa qua.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, trưởng khoa ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), ông chính là người đưa kỹ thuật mới giúp nhiều bệnh nhân có thể làm mẹ sau khi mắc ung thư cổ tử cung.
Quyết tâm thay đổi số phận phụ nữ
* Khi mắc ung thư cổ tử cung, người bệnh trải qua nhiều phương pháp điều trị dẫn đến khả năng sinh con là rất khó. Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung xuất phát từ đâu, thưa ông?
– Là bác sĩ chuyên về phụ khoa, sau nhiều năm làm việc tôi tiếp xúc với rất nhiều nữ giới mặc dù còn trẻ chưa có gia đình, có gia đình nhưng chưa có con hoặc chuẩn bị có con thì phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, rất đáng tiếc.
Trước đây, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt buộc phải phẫu thuật cắt tử cung hoặc hóa, xạ trị triệt để, dẫn đến việc họ sẽ không còn khả năng sinh con được nữa dù ở bất cứ giai đoạn nào. Hơn nữa hiện nay khuynh hướng ung thư cổ tử cung phụ nữ trẻ lại rất nhiều.
Chính vì vậy, năm 2018, sau thời gian tìm tòi chúng tôi đã đề xuất đưa phương pháp phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung vào bệnh viện.
Lúc đó, toàn thế giới đã áp dụng kỹ thuật này giúp hàng trăm đứa trẻ ra đời một cách an toàn mà vẫn điều trị khỏi ung thư. Do không có điều kiện ra nước ngoài học tập, chúng tôi học các video hướng dẫn trên Hội Ung thư của thế giới.
* Đến nay phương pháp này đã thay đổi số phận của nhiều người phụ nữ ra sao, thưa ông?
– Bệnh viện Ung bướu là nơi đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp này nên thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, kỹ thuật khó hơn nhiều so với phẫu thuật cắt tận gốc hết tử cung. Các bác sĩ sẽ cắt phần cổ tử cung, để lại phần thân tử cung sau đó nối vào âm đạo, để tạo hình cho tinh trùng có đường vào tử cung và phải bảo tồn được động mạch để nuôi tử cung.
Dưới sự nỗ lực không ngừng từ năm 2018 đến năm 2022, bệnh viện đã có trên 15 phụ nữ trẻ được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại khoa ngoại 2.
Đến nay đã thực hiện được 20 ca, trong đó có hai ca sinh con thành công, hai trường hợp đang mang thai.
Dù còn khả năng sinh sản nhưng bệnh nhân sẽ có khả năng sinh sản thấp hơn, chỉ còn khoảng 50 – 60% khả năng thụ thai so với những người phụ nữ bình thường. Tỉ lệ này tương đương so với thế giới.
* Cảm xúc của các bác sĩ khi ca đầu tiên ung thư cổ tử cung mang thai và sinh con thành công là gì?
– Việc chọn lựa bệnh nhân để thực hiện phương pháp này phải rất kỹ lưỡng, không phải bệnh nhân nào cũng có thể làm được. Các bác sĩ phải chịu trách nhiệm mức độ an toàn của ung thư, nhất là nguy cơ tái phát nếu có mang thai.
Điều kiện để bệnh nhân có thể chọn lựa phương pháp là bệnh nhân trẻ, nhu cầu có con và đặc biệt phải phát hiện ung thư trong giai đoạn sớm (1B1, 1A1).
Khi ca đầu tiên mang thai và sinh con thành công (năm 2018) tôi và tất cả đồng nghiệp vỡ òa trong cảm giác hạnh phúc.
Tất cả những gì chúng tôi làm đều góp phần thay đổi số phận của một người phụ nữ. Ngoài ra điều này còn giúp thay đổi cả một phác đồ điều trị, thay đổi cả một con đường điều trị, mở ra hàng nghìn cơ hội cho những người phụ nữ khác.
Không ngừng tìm kiếm các phương pháp điều trị mới
* Thưa ông, vì sao nữ giới mắc ung thư cổ tử cung ngày càng có xu hướng trẻ như hiện nay?
– Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa một phần do độ tuổi quan hệ tình dục sớm hơn trước.
Ngoài ra, nhiều người trẻ chưa trang bị đủ kiến thức để phòng ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục, quan hệ tình dục không an toàn, thói quen vệ sinh không đúng cách, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình…
Tâm lý e ngại là một trong những rào cản khiến việc thăm khám phụ khoa định kỳ bị trì hoãn, vô tình bỏ qua cơ hội phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Với nữ giới, muốn bảo đảm sứ mệnh làm mẹ cần phải đi tầm soát sức khỏe thường xuyên từ 6 tháng đến 1 năm để nếu phát hiện ung thư vẫn ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn dù trẻ đến mấy cũng chống chỉ định.
Đồng thời, muốn tránh được ung thư cổ tử cung cần phải tiêm vắc xin phòng HPV cho nữ giới từ 9-45 tuổi, kể cả đã quan hệ tình dục.
* Trong tương lai, phương pháp này sẽ tiếp tục phát triển ra sao, thưa ông?
– Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng kỹ thuật này giúp đỡ nhiều nữ giới có khả năng làm mẹ sau ung thư cổ tử cung. Đồng thời liên tục tìm kiếm các phương pháp điều trị mới, ít xâm lấn và an toàn cho người bệnh.
Điển hình như hiện nay khi mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn thường sẽ cắt tử cung, nạo hạch xung quanh để điều trị triệt để.
Điều này có thể gây ra các biến chứng như: phù mạch bạch huyết, tổn thương một số hạch lành xung quanh. Các nước trên thế giới đang ứng dụng một loại chất dẫn đường khi vào cổ tử cung có thể lan ra các hạch phát hiện ung thư xâm lấn tới đâu.
Các bác sĩ phẫu thuật sẽ dễ dàng chẩn đoán và điều trị, bảo tồn những vị trí chưa bị ung thư xâm lấn.
Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể đưa loại chất dẫn đường này áp dụng, giảm bớt gánh nặng cho người bệnh ung thư.
Kỹ thuật cao yêu cầu thực hiện đúng thao tác
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Bảo Tuấn – phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong điều trị ung thư cổ tử cung là một kỹ thuật cao, vì vừa phải bảo đảm hiệu quả điều trị ung thư vừa phải bảo tồn chức năng sinh sản (chỉ cắt cổ tử cung, giữ lại thân tử cung).
Vì thế kỹ thuật này phải tuân thủ nghiêm ngặt về chỉ định điều trị và nhất là phẫu thuật viên phải thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật.
Hiện nay, dựa trên các bằng chứng y khoa, một số kỹ thuật ngoại khoa điều trị ung thư đã được thực hiện bảo tồn hơn như phẫu thuật bảo tồn tuyến vú trong điều trị ung thư vú, phẫu thuật sinh thiết hạch lính gác để hạn chế nạo hạch thường quy… và phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung cũng theo xu hướng đó.
Nhưng để thực hiện được phẫu thuật này nhất thiết phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Khuyến cáo phụ nữ còn trong tuổi sinh sản nên khám sức khỏe định kỳ, trong đó có khám tầm soát ung thư cổ tử cung, thực hiện các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung như chích ngừa HPV, điều trị các tổn thương tiền ung thư…