Sáng 11-7, TP.HCM tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2023 và kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11-7 năm 2024 do Bộ Y tế phát động với chủ đề: “Đầu tư cho công tác Dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết quy mô dân số TP tăng chậm, tính đến cuối năm 2023 quy mô dân số là 9.456.661 người.
Năm 2023, tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%.
Công tác kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân cân bằng giới tính khi sinh, được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ở mức khá cao 76,5 tuổi, so với cả nước 73,7 tuổi.
Theo ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, công tác dân số Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng và có nguy cơ không đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh và chênh lệch giới tính khi sinh còn khá cao.
TP.HCM cũng gặp phải nhiều bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh và bài toán chất lượng dân số đề ra yêu cầu của thành phố cần nỗ lực hơn nữa…
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Công an TP.HCM cung cấp, năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là là 1.135.889 người, chiếm tỉ lệ 12,05%.
Những số liệu này, theo ông Trung cho thấy TP.HCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa dân số này chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Già hóa dân số cũng tạo ra những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng.
Cụ thể, sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi, con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn.
Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu.
“Già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu; làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn …” – ông Trung phân tích.
Tất cả những hệ luỵ đó, theo ông Trung nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai không xa.
TP.HCM ứng phó với già hóa dân số như thế nào?
Để ứng phó với quá trình già hóa dân số, ngành Y tế TP.HCM đã và đang triển đồng bộ các giải pháp như tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi.
Trong suốt thời gian triển khai chiến dịch, ngành y tế sẽ triển khai nội dung khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sức khỏe dành cho người cao tuổi.
Ngành Y tế kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp, cùng toàn thể người dân tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024 nhằm góp phần giải quyết các vấn đề dân số cấp thiết của thành phố.