Thế nhưng theo bác sĩ, việc mang giày cao gót trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương khớp.
Chị N.V.T. (34 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) than chiều cao của chị khá khiêm tốn, chỉ được gần 1,50m. Do vậy, khi đi ra ngoài chị T. ưa những đôi giày cao 9-10cm mới cảm thấy tự tin. Chị T. kể do đi giày cao gót suốt nên nhiều buổi tối chị cảm thấy nhức chân.
Giày cao gót là vật bất ly thân, nhưng…
Để dáng của mình đẹp hơn, tủ giày của chị L.T.T. (28 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) luôn có nhiều mẫu giày cao gót đủ kiểu dáng, độ cao từ 5-10cm. Do đặc thù công việc thường xuyên gặp gỡ khách hàng, chị T. cũng chọn giày cao gót làm vật bất ly thân khi đi làm, đi chơi.
Tại sao chị em thích giày cao gót? Giải thích điều này, bác sĩ Trịnh Quang Anh – chuyên khoa phục hồi chức năng, khoa phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho hay: “Vì giày cao gót tôn được đôi chân dài. Đi giày cao gót làm bàn chân gập ra sau, cơ thể sẽ hơi gập ra phía trước, khiến vòng 1 và vòng 3 đầy đặn hơn”.
Tuy nhiên tư thế này sẽ làm khung chậu xoay trước, lâu ngày sẽ gây đau cột sống, thắt lưng.
Khi chị em đi giày cao gót sẽ thay đổi góc cổ chân, cơ thể thay đổi trục của khớp gối, khớp hông, ngay cả cột sống cũng phải điều chỉnh theo trạng thái mới để thích nghi. Lúc này, trọng tâm của cơ thể không dồn vào bàn chân, gót chân như trước mà dồn hết vào các ngón chân. Tuy nhiên khi thiết kế các đôi giày cao gót, phần đầu giày bít lại, làm bẻ cong các ngón, đặc biệt là các ngón cái, làm biến dạng ngón cái vẹo vào trong.
Còn bác sĩ Võ Hòa Khánh, trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết giày cao gót là một phụ kiện thời trang không thể thiếu của phụ nữ, nhưng giày cao gót hoặc giày cao gót quá cao (>10cm) tạo áp lực cho bàn chân, ngón chân, cổ chân, đầu gối, cơ bắp chân, hông và lưng.
Duy trì tư thế mất cân đối như vậy lâu ngày có thể gây tổn thương những bộ phận này. Gót giày càng cao, càng nhọn, tư thế đứng cũng như dáng đi của người mang càng bị biến dạng thì tổn thương càng nhiều.
Đi giày cao gót lâu có thể gây ra đau gót chân, gây viêm cân gan chân. Mang giày cao gót, đặc biệt các giày cao gót vừa cao vừa cứng làm tăng áp lực lên lòng bàn chân, đặc biệt là gót chân, lâu dần sẽ làm đau gót chân do viêm cân gan chân và gai gót chân.
Bên cạnh đó, đi giày cao gót lâu ngày gây viêm khớp bàn ngón chân cái, biến dạng vẹo trục ngón chân cái. Với mũi nhọn của giày cao gót làm các ngón chân bị kẹt trong một khoang hẹp, lâu dần làm đau các khớp ngón chân và biến dạng các ngón, đặc biệt là ngón cái, khớp bàn ngón chân cái bị viêm và vẹo trục ngón cái, làm xấu bàn chân và có trường hợp phải phẫu thuật chỉnh trục xương ngón cái.
Giày cao gót quá cao làm trục cẳng chân – bàn chân thay đổi, áp lực dồn lên các ngón chân nên khi đi nhanh hoặc đi chưa quen dễ mất thăng bằng. Đặc biệt, khi đi giày cao lên cầu thang, đi trong môi trường trơn, trời mưa, đi xe máy dễ bị lật cổ chân gây ra tình trạng bong gân (giãn dây chằng cổ chân).
Gây tổn thương chân và dây thần kinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược (TP.HCM) – cho biết bình thường bàn chân của chúng ta hoạt động như lò xo, giúp phân phối đều trọng lượng và chống sốc cho cơ thể khi đứng hay đi lại.
Khi đi giày cao gót, phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào các đốt xương ngón chân. Sự dịch chuyển bất ngờ từ gót chân xuống ngón chân buộc gò bàn chân và bước đi ngắt quãng. Việc đi lại cà nhắc kéo dài trong một thời gian có thể dẫn đến tổn thương xương bàn chân và các dây thần kinh.
Bên cạnh đó, khi mang giày cao gót, cơ đùi phải hoạt động nhiều, tăng sức ép cho khớp gối. Trong khi đó đầu gối là khớp nối lớn nhất trong cơ thể được tạo ra để giúp cơ thể uyển chuyển.
Thường xuyên sử dụng giày cao gót có thể làm gia tăng áp lực lên các bề mặt bên trong của đầu gối, nhanh chóng khiến chúng bị hao mòn dẫn đến viêm khớp xương gây đau nhức chân và lan xuống các gân bàn chân. Ngoài ra, đi giày cao gót có thể gặp phải các chấn thương như bị vấp ngã, bị gãy gót do va quẹt mạnh…
Với phụ nữ làm việc trong công sở, thường xuyên đi giày cao gót thì ngoài việc máu bị dồn gây đau nhức chân còn căng cơ lưng, gây áp lực cho phần xương sống. Do đó tình trạng chấn thương, đau nhức lưng, bả vai cũng gia tăng.
Đặc biệt nữ giới mắc bệnh đau thần kinh tọa chú ý không được đi giày cao gót, vì nếu đi sẽ khiến bệnh tình ngày càng trở nên nặng hơn. Thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, xuất phát từ đám rối thần kinh thắt lưng cùng, sau đó chạy ra vùng mông theo mặt sau đùi xuống mặt sau cẳng chân đến gót chân, bàn chân.
Làm thế nào để đi giày cao gót an toàn?
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, vì những nguy hiểm có thể xảy ra với sức khỏe, khi đi giày cao gót nên chọn loại giày đế thấp hoặc đế xuồng. Thiết kế giày này sẽ giúp cân bằng và san đều áp lực dồn lên đôi chân.
Lưu ý nên bổ sung thêm lớp lót giày ở bên trong nhằm tạo cảm giác êm ái. Miếng lót cao su sẽ tốt hơn vì hấp thụ áp lực tốt. Hạn chế đi giày cao gót và đi những loại gót có đế cứng.
Tương tự, bác sĩ Khánh cũng khuyên các cô gái dưới 18 tuổi không nên mang giày cao gót vì ở độ tuổi này xương khớp chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ gây tổn thương sụn chêm và dây chằng vùng ngón chân, cổ chân và khớp gối.
Để phòng ngừa những ảnh hưởng do giày cao gót gây ra, bác sĩ Khánh khuyến cáo các chị em không nên mang giày cao gót quá cao, chỉ nên mang giày cao gót dưới 7cm.
Các chị em chỉ nên mang giày cao gót khi cần thiết như khi đi làm, đi dự tiệc, không nên mang liên tục và trong một khoảng thời gian quá dài. Khi chị em thấy xuất hiện triệu chứng đau gót chân, ngón chân, bắp chân… thì không nên cố mang giày cao gót nữa.
Nên chọn giày có kích thước vừa vặn và phù hợp, chọn giày được làm từ chất liệu mềm mại, giày hở mũi và tránh các loại giày cao gót mũi nhọn, khoang giày quá hẹp để có đủ không gian cho bàn chân và các ngón chân. Khi mang giày cao gót sử dụng thêm miếng lót giày chất liệu mềm hoặc mang vớ chân để giảm tình trạng viêm cân gan chân.