Nhiều dưỡng chất quý như “vàng mười”
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết trong đông y, khế là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong 100g khế tươi có 93,5g nước, 0,6g protid, 3,1g glucid, 2,6g xenluloza, 10mg canxi, 8mg photpho, 30mg vitamin C…
Ngoài ra, khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magie… Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartric, khế chua có nhiều axit oxalic.
Tuy giá trị bổ dưỡng của khế không nhiều nhưng lại là loại trái quý về mùa hè, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch rõ rệt. Sau khi làm việc mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều, ăn khế thấy đỡ khát nhanh chóng vì cơ thể được bổ sung nước và muối khoáng đã bị mất theo mồ hôi. Món khế muối cũng như chanh muối đều rất thích hợp với trường hợp này.
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP HCM cho biết, mặc dù các thành phần dinh dưỡng trong khế không quá cao nhưng lại chứa những chất quý đối với sức khỏe. Các hợp chất chống oxy hóa từ khế có tác dụng hỗ trợ quá trình thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các loại tế bào ung thư;
Hợp chất beta-carotene trong khế giúp cải thiện thị lực, kích thích vị giác, thúc đẩy quá trình trao đổi chất; Vitamin C và flavonoid dồi dào nên công dụng của khế giúp thải trừ các gốc tự do, gia tăng quá trình tổng hợp collagen, bảo vệ mạch máu. Đặc biệt hơn nữa là các tác dụng:
– Khắc tinh của cholesterol xấu: Khế chứa vitamin A và một lượng lớn chất xơ, các hợp chất quercetin, axit gallic và epicatechin đều có đặc tính chống oxy hóa mạnh cũng như khắc tinh của lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
– Tốt cho tiêu hóa: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong khế mang lại khả năng cải thiện, tăng nhu động ruột, hạn chế bệnh táo bón. Bổ sung khế sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt, phòng ngừa chứng khó tiêu.
– Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Quả khế rất giàu Kali giúp duy trì sức khỏe tim mạch tốt. Việc kết hợp khế với các món ăn hằng ngày là cách tốt và ít tốn kém để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
– Tốt cho mắt: Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định rằng khế là nguồn bổ sung vitamin A tốt cho thị lực. Ăn chúng thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hoá điểm vàng.
– Tăng cường hệ miễn dịch: Các vi khuẩn, vi rút, các gốc tự do, độc tố hay tế bào ung thư điều được kiểm soát tốt khi ăn khế điều độ.
Thuốc quý chữa nhiều bệnh
ThS Toàn cho biết, trong đông y, khế có tác dụng chữa nhiều bệnh. Theo sách Lĩnh Nam Bản Thảo của Hải Thượng Lãn Ông (quyển Thượng), khế có tên Ngũ liễm tử, được dùng để chữa các bệnh gồm:
– Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.
– Chữa lở loét, mụn nhọt: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày.
– Tiểu tiện không thông: Lấy một quả khế giã nát với một củ tỏi, đắp vào rốn để chữa tiểu tiện không thông. Phụ nữ sau khi sinh dùng nước sắc quả khế 20g với vỏ cây hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, uống rất tốt
– Sốt cao co giật: Khế 10g, lá dây đòn gánh 10g, lá ngải cứu 8g, lá nhọ nồi 8g, rễ táo rừng 6g phơi khô, sao vàng sắc uống.
– Sỏi bàng quang: Khế tươi 5 quả, mật ong lượng vừa đủ. Khế rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, hoà mật ong chia uống 2 lần trong ngày. Có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, đặc biệt tốt với sỏi bàng quang, viêm bàng quang.
– Chống ho, trị viêm: Mướp tươi 500g, khế 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái, là loại đồ uống rất giàu sinh tố và các nguyên tố vi lượng, dùng làm nước giải khát mùa hè rất tốt và trị các bệnh ho, viêm và nhất là viêm đường tiết niệu.
– Ngộ độc, viêm loét chân răng: Dùng nước ép khế uống hằng ngày cung cấp lượng vitamin C khá cao cho cơ thể chống bệnh viêm loét chân răng và chữa ngộ độc. Hoặc lấy 7 trái khế, cắt lấy một miếng khoảng 1/3 phía gần cuống/mỗi quả, đổ vào một bát nước sắc còn nửa bát, uống lúc nóng.
– Bí tiểu. Lấy khoảng 7 trái khế, cắt lấy 1/3 phần cuống cho vào nấu với 600ml nước. Sắc cô đặc còn khoảng 300ml và uống lúc nước ấm. Có thể dùng thêm khế và tỏi giã nát trộn vào nhau đắp lên rốn.
– Thanh lọc phổi, tốt cho xương khớp: Lấy đường phèn cho thêm nước vào nấu sôi lên cho tan đường hoặc để cả viên. Khế chua rửa sạch gọt tai, chẻ dọc hay chẻ ngang. Tỉ lệ 1kg khế ngâm chung với 200gam đường phèn. Thêm một lớp khế sau đó đến một lớp đường hoặc cho nước đường pha sẵn.
Lưu ý, khi ngâm nên cho thêm vài lát gừng mỏng. Dùng làm nước giải khảt hàng ngày.
Ngoài những công dụng như trên thì khế cũng có một số tác hại nếu sử dụng không đúng cách như:
– Tăng đường huyết: Vì lượng đường trong khế ngọt tương đối nhiều nên đối với những người đang có vấn đề về đường huyết thì sẽ không tốt cho cơ thể.
– Đau dạ dày: Không nên ăn khế trước bữa ăn vì có thể kích thích dạ dày tiết ra acid khi bụng đang đói, ảnh hưởng niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh lý về dạ dày.
– Gây khó tiêu: Vì hàm lượng chất xơ trong quả khế cao nên sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều sẽ khiến khó tiêu, đầy bụng.
– Gây sỏi thận: Khế chứa axit oxalic, với người thận yếu sẽ không đào thải được loại axit oxalic dễ dẫn đến sỏi thận.
Ai nên tránh ăn khế?
– Bệnh nhân tiểu đường thì không nên ăn khế ngọt.
– Người bị đau dạ dày không nên ăn khế chua hoặc khế ngọt (vì trong khế ngọt cũng chứa acid).
– Đối với bệnh nhân sỏi thận, axit oxalic chứa trong khế cao, là chất dễ tích tụ trong cơ thể con người, ăn khế quá nhiều trong thời gian dài dễ dẫn đến hình thành sỏi.
– Không ăn khế khi đang uống thuốc tây hoặc đông y, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
– Đối với người có cơ thể mang tính hàn, khế là một loại quả có tính lạnh, vì vậy nếu những người có tỳ vị hư hàn, dạ dày ăn khế sẽ làm nặng thêm chứng khó tiêu và ảnh hưởng không tốt đến cảm giác thèm ăn.
– Ngoài ra, không nên ăn khế khi đói.