Hà Nội sốt xuất huyết, ho gà, viêm não đều tăng
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản tăng so cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 118 ca sốt xuất huyết, không có ca tử vong; tăng 34 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu 2024 đã có 1.058 ca sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ 2023.
CDC Hà Nội nhận định thời tiết nắng nóng, mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh, đây là tuần thứ 6 liên tiếp có số mắc tăng.
Hà Nội cũng đã ghi nhận 11 ca mắc ho gà, tăng 3 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 162 ca mắc tại 28 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận 1 ca mắc viêm não Nhật Bản.
Đề nghị gia hạn thời gian thí điểm buýt điện ở TP.HCM đến hết quý 1-2025
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị xin điều chỉnh thời gian thực hiện thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM đến hết quý 1-2025.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Sau giai đoạn thí điểm, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp thực tiễn, khả năng cân đối ngân sách TP.HCM.
Đồng thời phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan xây dựng tham mưu UBND TP.HCM ban hành mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong quý 4-2025 để triển khai và áp dụng chính thức.
Trước đó, tuyến xe buýt điện D4 (VinHome Grand Park – bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến buýt điện đầu tiên thí điểm ở TP.HCM. Khối lượng vận chuyển của tuyến xe buýt này liên tục tăng kể từ khi đưa vào hoạt động, doanh thu vé bình quân cũng tăng. Thế nhưng mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).
TP.HCM thực hiện truy xuất nguồn gốc cho hơn 500 doanh nghiệp
Tin từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) – cho biết, sau hai năm triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), thành phố đã thực hiện các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc cho hơn 500 lượt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đây là những doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố do các sở, ban, ngành cung cấp.
TP.HCM cũng đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với 5 trên 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 61 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục này.
Theo đó, đối với sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, có 47 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng trên địa bàn TP tham gia. Đối với sản phẩm rau quả tươi, thủy sản đã có 14 cơ sở trên địa bàn sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn Việt Nam.
Thị trường bánh trung thu khởi động sớm
Bước vào tháng 6 âm lịch thị trường bánh trung thu đã rục rịch khởi động. Một số cửa hàng bánh đã bắt đầu chưng bánh trung thu lên kệ và thu gọn diện tích trưng bày các dòng bánh khác.
Theo một số nhà sản xuất, hiện các bảng báo giá cũng như dòng sản phẩm chủ đạo đã được gửi đến khách hàng doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bánh trung thu được ghi nhận không tăng giá đáng kể và không có nhiều sản phẩm mới. Nhưng bù lại, có nhiều phân khúc cho người tiêu dùng lựa chọn.
Các hương vị bánh hài hòa mặn, ngọt, chay, mang đến những trải nghiệm tinh tế cho mọi khẩu vị của khách hàng tiếp tục được nhà sản xuất lựa chọn.
Có thể kể đến những hương vị bánh được yêu thích nhất như Thập cẩm Sài Gòn, Thập cẩm sò điệp dầu nấm Truffle xốt Savouré, Trà xanh đậu đỏ hạt sen, Màu tinh than tre trứng muối tan chảy hay Dẻo hoa đậu biếc chanh dây hạt sen.
Bên cạnh đó, dòng bánh nhân bọc nhân, nhân kim sa trứng muối… vẫn được kỳ vọng sẽ có phản hồi tích cực thị trường.
Tích cực phòng chống bạch hầu
Tính đến tối 8-7 đã ghi nhận 1 ca bệnh bạch hầu tử vong tại Kỳ Sơn (Nghệ An) và 1 ca dương tính tại Bắc Giang. Hiện tại Nghệ An đã cách ly 119 người liên quan. Tại Bắc Giang, Sở Y tế đã cách ly ca bệnh và xử lý môi trường tại khu vực nguy cơ cao.
Tuy nhiên ca bệnh tại Bắc Giang đã di chuyển tới một số quán karaoke. Sở Y tế đã yêu cầu tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần bạch hầu.
Bộ Y tế cũng có văn bản cho biết trong trường hợp cần thiết, các tỉnh thành đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, tổng hợp gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch – Tài chính) để thực hiện phân bổ, sử dụng.