Việt Nam thiếu bác sĩ chuyên ngành lão khoa
Phát biểu tại hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ 5 đang tổ chức tại Hà Nội, cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Hà Anh Đức cho biết trong 1.800 bệnh viện công – tư cả nước có 900 bệnh viện có giường bệnh dành cho các bệnh nhân lão khoa, số bác sĩ chuyên ngành lão khoa cũng rất ít ỏi.
Tuy nhiên theo ông Đức, số này đang còn ít ỏi, chưa đáp ứng nhu cầu bởi Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ 2011 và sẽ bước vào giai đoạn dân số già từ 2036 tới (với trên 16 triệu người là người từ 65 tuổi trở lên).
Hệ quả của già hóa dân số là nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, suy giảm trí nhớ… Tại hội nghị lần này, các báo cáo viên sẽ tập vào các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi, trong đó có cơ xương khớp, bệnh lý chuyển hóa, huyết học, bệnh lý thận mạn.
Siêu bão Yagi ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu cả nước
Theo Tổng cục Hải quan, siêu bão Yagi (bão số 3) tàn phá, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở ở hầu hết các tỉnh phía Bắc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 9 chỉ đạt 65,8 tỉ USD, giảm 8%, tương đương 5,7 tỉ USD so với tháng 8. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỉ USD, giảm 9,9% và kim ngạch nhập khẩu đạt 31,8 tỉ USD, giảm 5,9% so với tháng 8, tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong tháng 9 chỉ đạt 31.126 tỉ đồng.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Tổng cục Hải quan đánh giá, kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn, thuế suất cao đều giảm cả lượng và trị giá, làm giảm thu ngân sách.
Đơn cử quặng và khoáng sản giảm gần 39% về lượng và giảm 35,5% về trị giá, làm giảm thu 253 tỉ đồng; Than các loại giảm 26,8% về lượng và giảm 34,6% về trị giá, làm giảm thu 663 tỉ đồng;
Chất dẻo nguyên liệu giảm khoảng 14% về cả lượng và trị giá, làm giảm thu 257 tỉ đồng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 11,3% về trị giá, làm giảm thu 659 tỉ đồng so với tháng 8.
Vụ sập cầu Phong Châu: Vận hành 2 phà cơ động phục vụ người dân lưu thông qua sông Hồng
Theo thông tin từ Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh), thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ 14h ngày 4-10, đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng của Quân khu 2 và tỉnh Phú Thọ vận hành thử nghiệm 2 phà cơ động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian tạm dừng hoạt động cầu phao do nước sông Hồng (đoạn chảy qua khu vực cầu Phong Châu nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, Phú Thọ) dâng cao.
Lực lượng chức năng căn cứ tình hình thực tế để vận hành phà hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua phà. Trước mắt, các đơn vị liên quan vận hành phà 2 chiều theo quy định bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, các loại xe mô tô từ ở 2 đầu phà (đường dẫn cũ của cầu phao) tại xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) sang xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao) và ngược lại.
Mỗi phà sử dụng 3 đốt khơi ghép lại với nhau, chiều dài 20m, rộng 6,5m. Thời gian mỗi chuyến di chuyển từ bến này sang bến kia khoảng 15 – 20 phút. Mỗi chuyến chở được gần 40 người và phương tiện qua sông
Cơ quan chức năng vẫn triển khai tuần tra tìm kiếm người mất tích, trục vớt phương tiện và các nhịp cầu bị sập sau sự cố sập cầu Phong Châu.
Khu vực tuần tra trên sông được các cơ quan liên quan triển khai bao gồm cả 2 bên bờ, với hơn 230 người. Phương tiện tìm kiếm gồm: 11 xuồng, 15 máy lặn đồng bộ, 2 máy nén khí, 4 sà lan, một cần cẩu 70 tấn, 4 máy múc và 4 ô tô tải.
Bước đầu, các chiến sỹ đặc công đã lặn tiếp cận đáy sông, phát hiện phía dưới rất nhiều rác, bùn, đất, chưa thấy người và phương tiện, kết cấu cầu bị chìm. Các cơ quan chức năng đánh dấu các vị trí đã lặn để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Tây Ninh xúc tiến hợp tác với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia
Ngày 4-10, UBND tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác thương mại, quảng bá du lịch; mời gọi, thu hút đầu tư hợp tác giữa tỉnh với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Tây Ninh hiện thu hút 337 dự án đầu tư; trong đó có 273 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 8.786,85 triệu USD và 64 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 12.264,9 tỷ đồng. Đến nay, đã có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tây Ninh có 3 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng số vốn đầu tư 3.690,69 tỷ đồng, ở các lĩnh vực trồng cây công nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam và Campuchia mà còn góp phần tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, công tác an sinh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn của Campuchia.
Hiện Tây Ninh đang tích cực phối hợp với TP.HCM triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài kết nối tuyến cao tốc Ba Vet – Phnom Penh, theo chủ trương đã được 2 quốc gia phê duyệt. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự giao thương hợp tác giữa hai bên.