Bão Trami sẽ đi vào Biển Đông với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Trami (Trà Mi) sẽ đi vào Biển Đông trong ngày hôm nay 24-10 với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Hồi 19 giờ ngày 23-10, bão Trà Mi có vị trí tâm ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 122,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Đến 19 giờ ngày 24-10, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15km/h, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và đi vào Biển Đông. Sức gió mạnh nhất của bão cấp 9, giật cấp 11. Khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 19 giờ ngày 25-10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách khu vực Hoàng Sa 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12. Khu vực chịu ảnh hưởng là phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Đến 19 giờ ngày 26-10, bão di chuyển theo phía Tây với tốc độ 15-20km/h, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Hoàng Sa.
Sức gió mạnh nhất cấp 11- 12, giật cấp 15. Khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3. Từ 72-120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam và di chuyển chậm lại.
Do tác động của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Bộ Y tế xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn bị kỳ thi chứng chỉ hành nghề y bác sĩ
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị khoa học năm 2024 được Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 23-10, thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết cả nước hiện có trên 10 trường đào tạo bác sĩ nhưng điểm đầu vào và khung chương trình đào tạo khác nhau, vì thế “đầu ra” là chất lượng bác sĩ ra trường có khác nhau.
“Chất lượng khác nhau và phải đánh giá trước khi bác sĩ hành nghề, đủ chuẩn mới được khám chữa bệnh. Đây là công việc của Hội đồng Y khoa quốc gia, hội đồng này sẽ sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ từ 2027” – ông Thuấn cho biết.
Hiện theo ông Thuấn, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng đang chuẩn bị ngân hàng đề, chuẩn bị cho hoạt động sát hạch đánh giá với tất cả các chức danh làm công tác chuyên môn trong bệnh viện như bác sĩ, điều dưỡng…
Đề nghị giữ quy định mức phí công đoàn 2%
Theo chương trình, sáng 24-10, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra dự luật này. Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại báo cáo tiếp thu giải trình dự Luật Công đoàn (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xin được giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%. Lý do là kể từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn.
Đồng thời, thể hiện sự ưu việt của chế độ, thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn. Việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương tại nghị quyết 02 là duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.
Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XXI
Tối 23-10, tại Phan Thiết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức bế mạc Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XXI năm 2024.
Tham dự Hội diễn có 6 tỉnh, thành trong khu vực gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh và Bình Thuận. Đây là hoạt động văn hóa – nghệ thuật của khu vực Đông Nam Bộ, được tổ chức định kỳ hai năm/lần góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian dân tộc.
Với chủ đề “Khát vọng tỏa sáng miền Đông”, Hội diễn năm nay diễn ra hấp dẫn với nhiều hoạt động thi phong phú như: Biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Miền Đông Nam Bộ rực sáng tương lai”; Nhảy hiện đại “Miền Đông hội tụ”…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, 49 tiết mục trong hội diễn cho thấy các đội đã đầu tư rất kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, mang đến nhiều nét mới lạ, hấp dẫn cho người xem. Bên cạnh đó, các đội cũng đầu tư trong từng tiết mục nên mang tính chuyên nghiệp và nghệ thuật cao.
Chung cuộc, ở nội dung Đờn ca tài tử và Nhảy hiện đại, Ban tổ chức đã trao 4 huy chương Vàng cho 3 đơn vị (TP.HCM, Tây Ninh và Đồng Nai); 8 huy chương Bạc cho 4 đơn vị (Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Phước).
Ở nội dung Biểu diễn nghệ thuật, Ban tổ chức đã trao 8 huy chương Vàng và 14 huy chương Bạc cho 6 đơn vị dự thi.