Năng suất giảm 50-70%, giá nhiều loại rau củ neo cao
Theo ghi nhận tại các chợ lẻ, siêu thị ở TP.HCM, giá nhiều loại rau củ Đà Lạt tăng 50-80% so với thời điểm mùa nắng (giá ổn định), thậm chí có loại tăng gấp đôi, gấp ba.
Cụ thể, xà lách hiện bán lẻ từ 40.000-65.000 đồng/kg tuỳ loại, hành lá 60.000-70.000 đồng/kg, cải thảo 20.000-30.000 đồng/kg, súp lơ 50.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại…
Tương tự, dù mức tăng không mạnh như nhóm rau củ Đà Lạt, nhưng nhiều loại rau có nguồn cung chủ yếu từ Nam Bộ bán lẻ tại chợ cũng đang ở mức khá cao như cải thìa, cải bẹ, cải ngọt, rau muống giá 27.000-35.000 đồng/kg; bí đao, dưa leo 22.000-30.000 đồng/kg…
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-7, ông Lê Hồng Nhân, đại diện Tổ hợp tác rau an toàn Bồng Lai (tỉnh Lâm Đồng), cho biết do thời tiết mưa nhiều nên năng suất hầu hết rau củ giảm 50-70% so với tháng 10-12 (thời điểm năng suất ổn định), thậm chí nhiều loại rau ăn lá giảm sâu hơn, 1 sào rau xà lách mùa nắng nhà vườn có thể thu 3 tấn/vụ nhưng mùa này chỉ 3-5 tạ.
“Rau củ được trồng ngoài trời, hoặc nhà lưới chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết nên năng suất sụt giảm mạnh nhất, còn trồng trong nhà kính giảm khoảng 10-15% so với lúc thời tiết ổn định. Do đó, dù giá bán ra đang tăng mạnh nhưng nông dân không được lợi nhuận nhiều vì năng suất quá thấp”, ông Nhân đánh giá.
Người Việt thọ bình quân 74,5 tuổi
Theo Bộ Y tế, Việt Nam vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, những năm gần đây chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.
Tỉ suất tử vong mẹ đã giảm sáu lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống. Tính từ năm 1993, tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm gần bốn lần, từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020.
Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân.
Xảy ra động đất có độ lớn 3.6 tại Kon Plông, Kon Tum
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất có độ lớn 3.6 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, vào khoảng 15h21 chiều 14-7. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, không gây rủi ro thiên tai.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Mức độ động đất tại khu vực này dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.
Thủ tướng yêu cầu phòng chống tích cực 2 loại dịch bệnh
Chỉ thị của Thủ tướng ngày 14-7 nêu từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 660 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 44 tỉnh thành, buộc tiêu hủy trên 42.400 con, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An… gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.
Để phòng, chống, kiểm soát bệnh hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành tập trung, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới;
Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng có công điện, giao Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh;
Các tỉnh thành hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp.