11.220 người tham gia diễu binh, diễu hành ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Chiều 12-8 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước 3 năm 2023 – 2025 làm việc với TP.HCM về chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).
Sang năm 2025, theo kết luận của Ban Bí thư, đất nước có 5 sự kiện kỷ niệm lớn, trong đó có kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2025).
Báo cáo về việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sẽ có diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm, trong đó diễu binh gồm 34 khối của lực lượng vũ trang; diễu hành có 11 khối.
Tổng số người tham gia diễu binh, diễu hành là 11.220 người, cùng với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Phát biểu tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, có giá trị tuyên truyền, giáo dục về chính trị – tư tưởng, vừa mới, hấp dẫn nhưng bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hướng tới người dân để người dân được thụ hưởng.
Gia tăng người mắc bệnh lý liên quan đến thận
Để giảm tải cho tình trạng thiếu máy lọc thận nhân tạo phục vụ người bệnh, ngày 12-8, Đơn vị thận nhân tạo (Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ) đã chính thức được đưa vào hoạt động với quy mô 20 máy lọc, trong đó 2 máy công suất lớn, 18 máy công suất trung bình, công nghệ hiện đại.
Theo các công bố gần đây, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, với gần 30.000 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, 8.000 ca mắc mới mỗi năm và ngày càng trẻ hóa. Vì vậy, nhu cầu lọc thận là rất cao và các bệnh viện trên địa bàn Cần Thơ lẫn khu vực lân cận đang quá tải.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Bác sĩ Huỳnh Lê Anh Tuấn (khoa thận – thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ) cho biết 6 tháng đầu năm 2024, bệnh nhân dưới 40 tuổi nhập viện điều trị với chẩn đoán suy thận mạn chiếm 15%. Đây là con số đáng báo động vì suy thận từ trước đến nay được coi là bệnh của người già.
Cần Thơ hiện có hai trung tâm lọc thận lớn tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ (do Bộ Y tế quản lý) và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ (do Sở Y tế quản lý). Hai đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải do máy móc không đáp ứng với lượng bệnh nhân chờ lọc thận quá nhiều.
Nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm
Hiện tại một số địa phương, tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh với nhiều ổ dịch, điểm “nóng” về dịch bệnh. Các bệnh viện ở nhiều địa phương đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, biến chứng nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố. Tình hình dịch bệnh gia tăng rất nhanh, đặc biệt trong tháng 7 và đầu tháng 8.
Còn tại Hải Phòng, trong tháng 7-2024, thành phố ghi nhận 4.307 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng 1.890 ca so với tháng trước. Các quận, huyện có số mắc cao gồm: Lê Chân (1.900 ca), Hải An (745 ca), Ngô Quyền (663 ca), Kiến An (195 ca), An Dương (192 ca).
Trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, nhiều bệnh viện tại các địa phương đã tiếp nhận những ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; trong đó gần 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Khoa hồi sức – cấp cứu nhi và nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng.
Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 7 đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nhập viện.
Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại Bắc Bộ
Trước nguy cơ mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất từ nay đến 15-8, Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An:
– Rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu, di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
– Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số) nắm được thông tin nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
– Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.