Thu nhập bình quân của lao động ngành dệt may gần 10 triệu đồng/tháng
Tin từ Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết tổ chức này và Hiệp hội Dệt may đã ký thỏa ước lao động tập thể của ngành lần thứ 6.
Theo đó, hai bên thống nhất điều chỉnh nhiều quyền lợi cho lao động như tăng tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng, tặng quà lao động nữ ngày 8-3 và 20-10 hằng năm tối thiểu 50.000 đồng/người/lần. Người nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nhận thêm tối thiểu 50.000 đồng/tháng.
Diện áp dụng thỏa ước lao động tập thể được mở rộng ra các doanh nghiệp mà người sử dụng lao động không thuộc Hiệp hội Dệt may và Công đoàn Dệt may. Điều kiện là đại diện tập thể lao động và lãnh đạo doanh nghiệp cùng ký công văn tham gia thỏa ước gửi hiệp hội, công đoàn dệt may và được chấp thuận.
Hết tháng 6-2024, có 85 doanh nghiệp và 85 công đoàn cơ sở gửi giấy ủy quyền, đăng ký tham gia thỏa ước trên. Thỏa ước còn quy định mức thu nhập tối thiểu (lương tối thiểu từng vùng của Chính phủ x hệ số 1,14), thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi tốt hơn cho người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động ngành dệt may đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng. Trong 3 năm qua, không có đơn vị nào ký thỏa ước để xảy ra đình công và ngừng việc tập thể kéo dài.
Nhiều quận, huyện ở TP.HCM chậm triển khai thu phí vỉa hè
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về thực hiện hiệu quả quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM (thu phí vỉa hè).
Thời gian qua, TP.HCM có 3 địa phương đã ban hành danh mục đủ điều kiện thu phí vỉa hè. Sau 50 ngày triển khai, quận 1 đã thu về ngân sách hơn 1 tỉ đồng từ thu phí vỉa hè.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Trong khi đó, 19 quận, huyện chậm trễ triển khai thu phí vỉa hè theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Trước đó, sở này đã có văn bản hướng dẫn triển khai quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố (thu phí vỉa hè) đối với các địa phương.
Hiện có 16/22 quận, huyện báo cáo kết quả thực hiện trong quý 1-2024 và 18/22 quận, huyện đề xuất danh mục. Trong số đó, nhiều tuyến đề xuất chưa phù hợp triển khai cấp phép, thu phí.
Cần 868 tỉ đồng “xóa nghẽn” đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM xem xét, trình HĐND TP.HCM về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức.
Theo đó, dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp được đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 360 tỉ đồng thành 868 tỉ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã báo cáo kết quả thẩm định dự án, chi phí bồi thường và tái định cư tăng nên mức đầu tư tăng.
Đồng thời dự án cũng điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2017 – 2021 thành 2017 – 2025. Sở dĩ thời gian thực hiện dự án kéo dài do công tác giải phóng mặt bằng chậm.
Hiện Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đưa dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp vào danh sách trình HĐND TP.HCM thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024. Nếu được HĐND TP.HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án sẽ thi công phần còn lại để hoàn thành vào năm 2025.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp sau khi được hoàn thành sẽ góp phần giải quyết ùn ứ giao thông tại khu vực này, hoàn thiện dần hạ tầng giao thông TP Thủ Đức. Đặc biệt kết nối với tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Vietnam Airlines vận chuyển vắc xin miễn phí
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết 6 tháng đầu năm 2024 Vietnam Airlines đã hỗ trợ vận chuyển 27 tấn vắc xin từ Hà Nội đi TP.HCM, Nha Trang, Tây Nguyên hoàn toàn miễn phí.
Hoạt động này sẽ được tiếp tục trong các chuyến bay 6 tháng cuối 2024, dự kiến số lượng khoảng 1.000 kiện có tổng trọng lượng khoảng 20 tấn.
Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đang cung cấp vắc xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em nhiều độ tuổi, trong đó có vắc xin 5 trong 1 (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib); vắc xin sởi; lao, viêm gan B, vắc xin DPT ngừa bạch hầu – ho gà – uốn ván cho trẻ 18 tháng tuổi…
Sẽ thí điểm sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia”
Đây là một trong số các lĩnh vực hợp tác chính trong chương trình phối hợp giữa Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với PepsiCo Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa gắn với cải thiện sinh kế người dân, hướng đến mục tiêu tăng khả năng hấp thụ và trung hòa carbon, tái tạo nguồn nước.
Có 250ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ được trồng mới và làm giàu theo dự án này.
Bên cạnh đó, triển khai “Học kỳ lâm nghiệp” – chương trình trải nghiệm rừng nhằm giáo dục về nguồn nước, đa dạng sinh học cho học sinh và thí điểm sáng kiến “hộ chiếu vườn quốc gia”, khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm rừng, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ rừng.
Trong giai đoạn đầu, chương trình này được thực hiện tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch.