Theo ông Diệp Bảo Tuấn – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, về nguyên nhân gây bệnh ung thư có đến 20-30% là do yếu tố di truyền, cụ thể như những trường hợp ung thư vú mà có đột biến gene BRCA1 VÀ BRCA2, ung thư buồng trứng, ung thư tụy, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng kiểu đa polyp tuyến gia đình.
Đơn vị tư vấn di truyền ra đời xuất phát từ nhu cầu của người bệnh. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không chỉ khám bệnh cho người bệnh mà còn cho cả thân nhân của những người bệnh như anh, chị, em hay con cháu của bệnh nhân để tầm soát bệnh cho những trường hợp này, tránh trường hợp khi phát hiện được bệnh thì đã quá trễ.
Thậm chí có những người có di truyền theo gene lặn mà theo khuyến cáo trước khi lập gia đình phải tầm soát để phát hiện những gene này, tránh cho hai gene lặn gặp nhau sẽ phát sinh ra bệnh.
“Đơn vị tư vấn di truyền đã được Bệnh viện Ung bướu “ấp ủ” từ lâu và chuẩn bị hơn một năm qua để phòng khám chính thức hoạt động vào hôm nay”, ông Diệp Bảo Tuấn thông tin.
Trước đó Bệnh viện Ung bướu đã cử nhân viên y tế đi học để được đào tạo bài bản, có chứng chỉ, tránh trường hợp tư vấn di truyền chưa đầy đủ hoặc “quá lố” thì đều không tốt cho công việc.
Ngoài chuẩn bị nhân lực, bệnh viện cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị một quy trình thống nhất để người bệnh được tư vấn một cách đầy đủ nhất và rõ ràng nhất.
Sau khi được tìm gene có thể gây ung thư sau này, người nhà bệnh nhân sẽ được theo dõi tầm soát sớm, kỹ hơn.
Trong trường hợp những người này mắc bệnh sẽ được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đây là một trong những chiến lược tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư, ông Diệp Bảo Tuấn nhấn mạnh.
Hơn 41.000 ca ung thư mới đến khám, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ước tính năm 2024 bệnh viện đã tiếp đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong năm 2024 là 41.758.
Ung thư là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Cùng với các yếu tố nguy cơ từ môi trường sống, một số đột biến gene có thể đã được truyền đi qua các thành viên của gia đình, làm tăng khả năng mắc ung thư.
Cá nhân đã được xác định mang gene di truyền liên quan ung thư cần được quản lý và sàng lọc ung thư theo chương trình riêng biệt và tư vấn các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ, đồng thời một số bệnh ung thư di truyền có thể được điều trị hiệu quả với các thuốc điều trị đích phù hợp hiện tại cũng đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Các bệnh lý ung thư đã được xác nhận có thể mang gene đột biến di truyền (ví dụ BRCA1/2)… là các bệnh lý với tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ tử vong hằng năm khá cao, theo thống kê của Globocan Việt Nam 2022 (ung thư vú: 24.563 bệnh nhân mắc mới với 10.008 ca tử vong; ung thư buồng trứng: 1.534 bệnh nhân mắc mới, 1.003 ca tử vong; ung thư tuyến tiền liệt: 5.875 ca mắc mới và 2.800 ca tử vong)…