Tỉ lệ vắc xin 5 trong 1 trong năm 2023 không đạt, đã tạo ra “lỗ hổng” miễn dịch, tăng nguy cơ bệnh lây lan.
Theo báo cáo của Bộ Y tế trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng chưa đạt tiến độ.
Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trở lại
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng thiếu một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài, năm 2023 nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định.
Đây cũng là nguyên nhân khiến một số dịch bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu… có nguy cơ quay trở lại. Thực tế từ đầu năm đến nay, một số địa phương đã ghi nhận ca bệnh trở lại sau nhiều năm vắng bóng.
Tại Hà Nội, thời gian qua Hà Nội thường xuyên cảnh báo tình hình dịch bệnh gia tăng. Trong khi năm 2023 cả TP không ghi nhận ca bệnh ho gà thì năm nay tính đến 22-7 đã có 193 trường hợp mắc ho gà. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Còn tại TP.HCM, thời gian gần đây ghi nhận nhiều trẻ mắc sởi, ho gà… điều trị tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP. Phần đông những trẻ này đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Thực hiện theo bộ công cụ đánh giá nguy cơ mắc bệnh sởi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, kết quả cho thấy TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch bệnh này rất cao. Với bệnh ho gà, số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay ghi nhận gia tăng hơn những năm trước.
Không tiêm ngừa, bệnh dễ nặng
Đầu năm 2024, xuất phát từ những cơn ho tím tái, bé gái 11 tuổi (Hà Nội) đã phải điều trị bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi trung ương. Gia đình bệnh nhi cũng không nhớ đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh cho con hay chưa.
Một trường hợp khác là bệnh nhi chưa đầy 2 tháng tuổi (Hà Nội) bị ho gà bội nhiễm viêm phổi. Mẹ bệnh nhi cho hay thấy con ho kéo dài, đỏ mặt, có tiếng thở rít nên đưa con đi khám. “Khi bác sĩ thông báo con bị ho gà, tôi rất bất ngờ, trong khi bé chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh” – mẹ bé cho biết.
Gián đoạn tiêm chủng đã tạo nên “lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng, trong đó một số tỉnh như Nghệ An vừa qua cũng ghi nhận ca bệnh bạch hầu quay trở lại. Riêng TP.HCM, dù từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận ca bạch hầu nào nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đánh giá nguy cơ lan truyền bệnh này là có thể xảy ra.
Củng cố tỉ lệ bao phủ vắc xin, lấp “lỗ hổng” miễn dịch
Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và gián đoạn một số loại vắc xin, trong đó có vắc xin 5 trong 1 năm 2023 khiến tỉ lệ tiêm vắc xin không đạt được như mong muốn. Điều này đã tạo ra “lỗ hổng” miễn dịch khiến bệnh lây lan.
Với bệnh ho gà, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.
Hay với bệnh bạch hầu, do tỉ lệ tiêm chủng không đạt khiến những người mang trùng bệnh có thể lây lan cho những người chưa được vắc xin bảo vệ, gây lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, việc củng cố bao phủ vắc xin phòng bệnh là rất cần thiết để phòng bệnh lây lan.
Với kết quả đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP.HCM cao, bà Lê Hồng Nga – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – nhận định nếu bệnh sởi bùng phát sẽ gia tăng ca mắc bệnh trong cộng đồng, từ đó gây quá tải, tạo ra gánh nặng cho ngành y tế khi bệnh nhân mắc bệnh này sẽ phải cách ly, chăm sóc rất nhiều.
Đến nay, biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ hữu hiệu nhất được các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, ngành y tế khuyến cáo là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên, bà Nga cho hay hiện còn nhiều trẻ chưa được tiêm phòng bệnh.
Thời gian qua Bộ Y tế cũng liên tục nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng tiêm chủng để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra người dân cần chủ động tiêm chủng đủ liều, đúng lịch để bảo vệ chính bản thân và xã hội.
Tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp
Hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng đang triển khai tiêm chủng vắc xin để phòng 11 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm bao gồm: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae type b, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota.
Trong năm 2024, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu tỉ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cũng chưa đạt tiến độ, chỉ có vắc xin phòng lao, vắc xin sởi và vắc xin DPT đạt tiến độ theo kế hoạch.
Như vậy trong 11 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có 8 loại vắc xin chưa đạt chỉ tiêu, 3 loại đã đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó cao nhất là tỉ lệ tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) đạt 40,6%. Trong 8 loại vắc xin không đạt chỉ tiêu đề ra, thấp nhất là tỉ lệ tiêm và uống vắc xin bại liệt chỉ triển khai được dưới 30%.