Ngày 19-10, tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước – Giải pháp từ chuyển đổi số”.
Hội thảo mong muốn góp thêm tiếng nói, tìm kiếm giải pháp phát triển thị trường dược phẩm trong nước bằng công cụ chuyển đổi số.
Thuốc online vẫn bán nhưng chưa có quy định
Trao đổi tại hội thảo, bà Lê Thị Hà, trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), chia sẻ là đơn vị trực tiếp cấp phép cho các website và nền tảng số, có thể thấy giao thương trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất phổ biến.
Bà Hà dẫn chứng hiện nền tảng online của cục đã phê duyệt 52.000 website TMĐT bán hàng nói chung, nhưng có khoảng 900 website/công ty có chữ cái bắt đầu bằng “thuốc” hoặc “pharma” và sẽ yêu cầu toàn bộ các nền tảng này phải cung cấp đủ thông tin hàng hóa trên nhãn/bao bì sản phẩm.
Mặt khác, với toàn bộ những sản phẩm được bán trên sàn (trực tiếp hoặc qua trung gian), chủ sàn phải nắm được quy chế và đưa ra những quy chế để quản lý trên sàn.
Luật Dược 2016 không có quy định cụ thể nào về bán dược trên không gian mạng. Thời điểm đó, cục vẫn áp dụng kinh doanh TMĐT như với môi trường kinh doanh truyền thống.
“Song đây mới chỉ là tiền kiểm, hậu kiểm rất khó – bà Hà giải thích – Nếu muốn quản lý chặt các hoạt động bán hàng trên mạng, về bản chất chúng ta phải nắm được các dữ liệu trên Internet. Nếu không đi sâu được vào các loại hình tên thuốc được bán trên sàn/nền tảng bán lẻ thì sẽ rất khó”.
Theo bà Hà, hiện nay công nghệ cho phép làm mọi thứ và để quản lý online thì dữ liệu cũng phải online, quản lý cũng phải quản lý online. Các cơ sở vi phạm trên TMĐT có thể bị “đóng cửa” ngay nếu vi phạm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trọng, tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, cũng nhận định thực tế hiện nay luật chưa quy định nhưng việc bán thuốc online vẫn đang diễn ra bằng các tên gọi khác nhau.
“Vậy chúng ta lo lắng điều gì? Vấn đề là khi đưa vào hoạt động chúng ta cần phải quản lý làm sao đơn thuốc đó hợp pháp, cơ sở bán thuốc đủ tiêu chuẩn, hợp pháp… Vì vậy, việc bán thuốc online hoàn toàn có thể xem xét để thực hiện”, ông Trọng nhận định.
Làm sao để người bệnh được lợi?
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định chuyển đổi số trong ngành dược là tất yếu, hướng đến mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Dẫn chứng về nhu cầu cần thiết của người dân về mua thuốc online, bà Trần Thị Huyền, trưởng phòng pháp chế chuỗi nhà thuốc Long Châu, chia sẻ thực trạng người bệnh cao tuổi mắc bệnh mạn tính ổn định chiếm số lượng rất đông trong lưu lượng đến khám bệnh ở các bệnh viện.
Tuy nhiên, thực tế việc thăm khám hằng tháng với nhóm bệnh nhân này là không cần thiết, gây lãng phí, quá tải bệnh viện vì đơn thuốc cho người bệnh mạn tính thì phải một thời gian mới cần điều chỉnh về loại thuốc và liều lượng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng kiến nghị đối với bệnh nhân mạn tính ổn định thì tần suất khám và đổi đơn thuốc là 3 tháng/lần, có trường hợp là 6 tháng/lần là phù hợp.
“Chúng tôi là chuỗi nhà thuốc trải khắp nhiều tỉnh thành, tiếp xúc với nhiều triệu bệnh nhân mỗi tháng, chúng tôi cũng nhận thấy thực trạng như vậy. Nhiều bệnh nhân từ tháng này sang tháng khác vẫn một đơn thuốc giống nhau cầm đến, chỉ khác ngày kê đơn.
Vậy tại sao không tạo điều kiện cho nhóm bệnh nhân mạn tính đã ổn định nếu không có thay đổi về loại thuốc, liều dùng thì hằng tháng có thể tự đặt qua ứng dụng của chuỗi nhà thuốc và được giao đến tận nhà thay vì phải ra nhà thuốc”, bà Huyền nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương) cho hay cá nhân ông đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Dược sửa đổi liên quan việc quản lý kinh doanh thuốc theo phương thức TMĐT, trong đó chủ yếu là cho bán các loại thuốc không kê đơn, còn muốn bán online với các loại thuốc kê đơn thì phải có điều kiện.
Từ đó ông Trí kiến nghị có thể cho phép bán thuốc online đối với các trường hợp thực hiện khám chữa bệnh online, có đơn thuốc của bác sĩ.
Nhưng việc này chỉ thực hiện đối với các nhà thuốc đã được đăng ký, có uy tín, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, đồng thời có chuyên gia tư vấn; và đội ngũ shipper thuốc cho những nhà thuốc này cũng phải được đăng ký để khi cần có thể liên hệ được…
Theo ông Trí, việc khám chữa bệnh online là xu hướng lớn trên thế giới và ngày càng phát triển. Nếu cấm bán toàn bộ thuốc online có thể dẫn đến gây khó khăn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, nếu bán online mà tốt và chuẩn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Việc quy định đầy đủ như trên thì đảm bảo được xu hướng khám chữa bệnh online và lại đảm bảo an toàn cho người bệnh khi mua thuốc online.
Ông Trí nói thêm với những trường hợp khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ cũng phải kê đơn. Vậy những trường hợp này có được bán thuốc online không?
“Tôi nghĩ rằng cần có cách để nhóm bệnh nhân này được phục vụ. Ban soạn thảo có thể nghiên cứu làm sao để phục vụ nhiều hơn nữa cho người bệnh”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trung Dũng, CEO nhà thuốc Phương Chính, cho rằng TMĐT là xu thế tất yếu, chuyển đổi số đang là nhiệm vụ “sống còn” đối với nhà thuốc. Đặc biệt sau COVID-19, nhu cầu mua thuốc online rất phổ biến.
Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online. “Chúng tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể triển khai để các nhà thuốc có thể thực hiện đúng quy định, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân”, ông Dũng nói.
Đánh giá thực trạng để có giải pháp
Trả lời câu hỏi về quản lý giá thuốc, TS.BS Trần Thị Nhị Hà, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và nội dung rất lớn của dự luật. Đồng thời cũng là vấn đề được dư luận và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nóng lòng chờ đợi.
Theo bà, ban soạn thảo đã đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng chịu tác động của luật. Dự luật đã có các khái niệm mới như công bố, công bố lại giá bán buôn dự kiến, hay các biện pháp về quản lý giá như kê khai giá, niêm yết giá đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Riêng về quản lý giá, dự luật đã dành hẳn một điều về các biện pháp quản lý giá thuốc. Đó là nội dung liên quan quản lý giá thuốc đặc thù của Luật Dược, các nội dung còn lại tuân thủ theo Luật Giá.
Bà Nhị Hà nêu rõ việc công bố giá và công bố giá dự kiến là rất chính xác. Bà cho rằng đã là công bố thì doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ công bố giá với thuốc kê đơn. Các doanh nghiệp không được bán cao hơn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu công bố.
“Tất nhiên sau luật sẽ có dự thảo nghị định, thông tư nhưng mong muốn của đại biểu là những gì đưa vào luật được thì nên đưa để chúng tôi có thông tin hồ sơ công bố giá… Chúng tôi cũng mong Bộ Y tế thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc”, bà Nhị Hà nêu.
Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá thực trạng để có giải pháp thực hiện được. Từ thực tiễn ở địa phương lâu năm cho thấy quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch, tổ chức thực hiện tốt và các cơ sở phải hợp tác”.
Chỉ bán online thuốc không kê đơn
Nhiều ý kiến cho rằng có thể thực hiện bán thuốc online đối với thuốc kê đơn, chứ không chỉ riêng thuốc không kê đơn, đặc biệt khi hiện nay đã có đơn thuốc điện tử.
Trả lời về vấn đề này, ông Chu Đăng Trung, trưởng Phòng Pháp chế – Hội nhập (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), cho hay việc xây dựng quy định thuốc không kê đơn được bán online đã được tổng kết, thi hành, đánh giá.
Đặc biệt, theo ông Trung, ban soạn thảo đã tiến hành tham khảo các nước và thấy 100% các nước bán thuốc không kê đơn. Đối với thuốc kê đơn, không phải quốc gia nào cũng cho phép bán online.
Ông Trung xin ghi nhận ý kiến kiến nghị này để xem xét, đánh giá, báo cáo lại Chính phủ để xem xét có thể mở rộng thêm hay có lộ trình thực hiện.
Cần có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn
Để đảm bảo chất lượng thuốc khi bán online, ông Nguyễn Hữu Trọng nhấn mạnh dù bán thuốc trực tiếp hay trực tuyến cũng phải đảm bảo chất lượng thuốc, cơ sở bán thuốc phải đủ điều kiện cấp phép.
Ông Trọng cũng lưu ý thêm về vấn đề “ship” thuốc. Với những đơn thuốc đặc thù, thời gian giao hàng cũng như việc bảo quản có thể ảnh hưởng tới chất lượng thuốc, làm sai lệch thuốc.
Vì vậy, các sàn TMĐT cũng phải chứng minh được giao dịch đó chỉ cách người bệnh trong khoảng thời gian giao hàng cho phép, giao thuốc đúng và hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ cho người bệnh.