Tại hội thảo khoa học về dinh dưỡng học đường, kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam do Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng TH tổ chức, TS Mai cho biết dinh dưỡng không hợp lý, quá nhiều nước ngọt có ga, xiên bẩn, đồ ăn nhanh… không chỉ ảnh hưởng thể lực mà còn ảnh hưởng trí lực của trẻ.
“Đã có nghiên cứu xác định trẻ em ăn uống nhiều thực phẩm bẩn, không lành mạnh, khả năng giải toán giảm đến 20%. Thức ăn không chỉ là dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể mà còn là năng lượng cho bộ não” – TS Mai nói.
Bà Mai cũng cho rằng so sánh các bé béo phì, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thiếu lành mạnh điểm số đi xuống so với các bé cân nặng bình thường. “Ứng dụng vấn đề này ở Việt Nam là câu “xiên bẩn mỗi ngày, teo ngay bộ não”. Giải pháp của vấn đề này là giáo dục dinh dưỡng cho trẻ ngay từ trường học, dạy trẻ từ bé về thức ăn và lối sống lành mạnh” – bà Mai nói.
Theo ông Trần Thanh Dương, viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng trẻ em là tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi (hiện là 18,2%, mức trung bình của thế giới), trong khi tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh, đặc biệt là ở đô thị và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em.
“Mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến 2030 là giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 15%, kiểm soát tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, nhất là ở khu vực đô thị, giữ tỉ lệ này ở mức dưới 19% ở nhóm 5-18 tuổi; tăng cường giáo dục dinh dưỡng ở nhà trường…” – ông Dương chia sẻ.
Về kinh nghiệm quốc tế, theo GS Nakamura Teiji, chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, từ 1954 Nhật đã ban hành Luật Bữa trưa học đường, năm 2005 ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng, chuẩn hóa bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng.
Cùng với các giải pháp khác về kinh tế, xã hội, thể thao…, hiện chiều cao trung bình người Nhật đã đạt 172 cm với nam và 158 cm với nữ, trong khi cách đây 50 năm là 150 cm và 149 cm.