Thách thức dân số khi người trẻ kết hôn muộn và người càng giàu càng sinh ít con

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp – Ảnh: N.NHIÊN

Đây là chia sẻ của ông Phạm Vũ Hoàng, phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số và Merck Healthcare Việt Nam tổ chức ngày 28-8.

Kết hôn muộn và càng giàu càng sinh ít con

Tại hội thảo, ông Hoàng cho hay mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế. Tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Các số liệu thống kê chỉ ra rằng trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh.

Theo đó, người giàu nhất có mức sinh trung bình là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con.

Người có trình độ học vấn dưới tiểu học trung bình sinh tới 2,35 con, còn người có trình độ trên phổ thông trung học chỉ sinh 1,98 con.

“Nguyên nhân dẫn khiến mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như: thiếu trường học, học phí, viện phí cao không động viên mọi người sinh con.

Bên cạnh đó, khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện, nhiều người có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng đặt ra một thực trạng là hiện nay tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019).

Sau 4 năm, đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Theo tính toán, với mức sinh giảm mạnh như hiện nay thì đến năm 2054 dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.

Mức sinh thấp không chỉ ở Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân – đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên phó thủ tướng Chính phủ – cũng nhận định mức sinh thấp không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà của nhiều nước trên thế giới.

Ông Nhân cũng cho rằng để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm hiểu bạn đời, chăm sóc gia đình.

Bên cạnh đó cần có chính sách về nhà ở, môi trường giáo dục. Đồng thời tuyên truyền về việc sinh con là trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc.

Thách thức dân số khi người trẻ kết hôn muộn và người càng giàu càng sinh ít con - Ảnh 2.

ThS Natascha Braumann chia sẻ về các chính sách tác động đến tỉ suất sinh – Ảnh: N.NHIÊN

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ về các vấn đề liên quan đến mức sinh thấp. Theo ThS Natascha Braumann (giám đốc chính sách toàn cầu ngành hàng sinh sản, tim mạch và nội tiết, Merck KgaA), các nghiên cứu cho thấy các chính sách có tác động đến tổng tỉ suất sinh bao gồm chăm sóc trẻ em, chính sách nơi làm việc, tài chính và hỗ trợ sinh sản.

Trong đó tại các nước châu Âu, hầu hết các quốc gia ở Tây Âu chi trả cho điều trị hiếm muộn. Tại châu Á, các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan cũng chi trả một phần cho điều trị hiếm muộn. Việc hỗ trợ trực tiếp tài chính là một trong những giải pháp quan trọng để tăng mức sinh thay thế tại các quốc gia.

Các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ cần phân bổ ngân sách để cải thiện mức sinh. Thực tế những chính sách được thực hiện tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự có hiệu quả.

Trong đó Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 do Chính phủ ban hành từ năm 2020, sau 4 năm thực hiện vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí mức sinh thay thế ngày càng giảm đi.

GS Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế – xã hội và chính sách dân số thì mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *