Đây là những công trình trọng điểm của ngành y tế TP.HCM được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn “chia lửa” cho các tỉnh lân cận.
Bác sĩ hết lội nước cấp cứu, người bệnh vui mừng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ vào chiều 9-10, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (tọa lạc tại đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) dần lộ diện “bộ áo mới”, các khối nhà mới khang trang đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Các khu vực khác như bãi giữ xe, sân bệnh viện bố trí rộng rãi. Nhiều hàng cây thẳng tắp xanh mướt tạo quang cảnh thoáng mát.
Nhìn qua khu bệnh viện xây mới đang dần hoạt động, bà T.T.T. (85 tuổi, TP Thủ Đức) – người đã hơn 10 năm nay hằng tháng phải đến bệnh viện để thăm khám, bốc thuốc định kỳ do mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, đau nhức xương khớp – không khỏi vui mừng và háo hức chờ ngày được thăm khám tại bệnh viện mới.
“Tôi rất mong chờ bệnh viện mới đi vào hoạt động. Hàng chục năm thăm khám ở đây, tôi thấy cơ sở cũ bị xuống cấp rõ rệt, lượng bệnh nhân đông, rất bí bách. Bệnh viện mới khang trang sạch sẽ, đi khám tâm trạng cũng thoải mái không thua gì bệnh viện tư nhân”, bà T. nói.
Tương tự, anh N.H.L. (23 tuổi, Bình Dương) cũng cho hay khu vực anh sống tại tỉnh Bình Dương nằm sát bên Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức nên anh thường xuyên đến đây thăm khám.
“Có đợt bệnh nặng phải nằm viện mặc dù đã đăng ký loại giường tốt thế nhưng do cơ sở cũ đã xuống cấp, bờ tường nứt nẻ nên chất lượng dịch vụ chưa đạt. Rất mong cơ sở mới sớm đi vào hoạt động, để bà con các tỉnh khác cũng được hưởng lợi”, anh L. nói.
Với Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, những năm trước đây, khi mùa mưa tới là nỗi ám ảnh với nhân viên y tế và bệnh nhân.
Cơ sở xuống cấp, khoa cấp cứu của bệnh viện này thường xuyên chịu cảnh nước ngập khi trời mưa, nhân viên y tế phải đeo ủng lội nước cấp cứu người bệnh.
Hơn 14 năm gắn bó với khoa cấp cứu, điều dưỡng trưởng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn Nguyễn Ngọc Thúy chia sẻ mình đã chứng kiến bao sự chuyển mình của bệnh viện, từ cơ sở vật chất xuống cấp, đến nay đã khang trang rộng rãi.
Không chỉ chị Thúy, bệnh viện được xây mới khiến các nhân viên y tế ở đây đều vui mừng khi được làm việc trong môi trường sạch sẽ, rộng rãi, nhiều tiện nghi.
Đây cũng là bệnh viện được nghiệm thu và đi vào hoạt động sớm hơn (tháng 10-2024) so với Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi phải đến năm 2025.
Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động khoa nội thận – lọc máu tại khu nhà mới từ tháng 3-2024 không chỉ là niềm vui của cán bộ nhân viên y tế, mà của cả người bệnh bị suy thận khi đã gắn bó với bệnh viện một thời gian dài vốn đã bị xuống cấp, thường bị ngập nước khi trời mưa.
Sẵn sàng nguồn lực cho bệnh viện hoạt động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Cao Tấn Phước, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, vui mừng chia sẻ hiện nay phần xây dựng bệnh viện mới đã hoàn thành đến 90%, dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động trước 30-4-2025.
“Không chỉ người bệnh vui mừng khi được thăm khám trong môi trường khang trang, thoáng mát mà cán bộ, công nhân viên bệnh viện cũng rất vui mừng, hạnh phúc. Đây là động lực để họ học tập và làm việc, tăng cơ hội thể hiện tài năng”, bác sĩ Phước nói.
Bác sĩ Phước cho biết thêm trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 2.800 đến 3.200 bệnh nhân đến thăm khám, dự kiến khi bệnh viện mới được đi vào hoạt động thì số lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng lên.
Nằm ở cửa ngõ phía đông bắc của TP.HCM, tiếp giáp với các tỉnh như Bình Dương và Đồng Nai, bệnh viện không chỉ đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho người dân TP Thủ Đức mà còn cả người dân các tỉnh lân cận. Hiện nay bệnh viện đã phục vụ lượng bệnh nhân từ các tỉnh đến thăm khám ở mức cao khoảng 40%, nếu có cơ sở hoàn thành con số này chắc chắn còn cao hơn.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, ông Đặng Quốc Quân – giám đốc bệnh viện – cho biết hiện bệnh viện đã tiếp nhận tất cả các bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú và ngoại trú trong tòa nhà mới.
Riêng việc mua sắm máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện, ông Quân cho hay bệnh viện là đơn vị thụ hưởng, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. “Có cơ sở vật chất mới rồi, bệnh viện rất mong có thêm máy móc, trang thiết bị y tế theo đúng tiến độ”, ông Quân chia sẻ.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (nằm ở cửa ngõ tây bắc của TP.HCM) cũng được đầu tư xây mới với 1.000 giường bệnh và 1.365 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị (161 thiết bị, trong đó có hai hệ thống CT-Scaner 64-128 lát cắt, hai hệ thống CT-Scaner
Sở Y tế kỳ vọng bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, chủ động hợp tác với các bệnh viện tuyến cuối của TP.
Đồng thời tiếp tục củng cố, đẩy mạnh phát triển nguồn lực và hoàn chỉnh các chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Củ Chi và các địa phương kế cận.
Dốc sức hoàn thành đúng tiến độ
Tháng 9-2023, HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ này với tổng số vốn hơn 4.300 tỉ đồng. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn 1.491 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức 1.450 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi 1.365 tỉ đồng.
Ngay từ khi được HĐND và UBND thông qua chủ trương đầu tư mua sắm trang thiết bị cho ba bệnh viện cửa ngõ, ngành y tế đã xác định đây là những công trình trọng điểm của TP và ngành y tế chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) và đưa vào hoạt động trọng tâm của cả ngành trong năm 2024 – 2025.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết với hệ thống y tế phát triển, nhiều năm qua ngành y tế TP không chỉ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân của TP mà còn tiếp nhận điều trị cho hàng triệu bệnh nhân trên cả nước, kể cả quốc tế.
Nằm ở vị trí cửa ngõ TP, tiếp giáp với các địa phương lân cận, ba bệnh viện cửa ngõ gồm bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Thủ Đức và Củ Chi vừa phục vụ người dân trên địa bàn vừa tham gia khám chữa bệnh cho người dân ở các tỉnh bạn. Tuy nhiên, trải qua thời gia dài hoạt động, cơ sở vật chất của các bệnh viện đã xuống cấp. Do đó, việc đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện mới là hoàn toàn cấp thiết.
Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị đồng bộ cho ba bệnh viện này là hết sức cần thiết, nhằm góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, giảm áp lực cho các bệnh viện hiện hữu khu vực trung tâm.
Khi hoàn thiện, ba bệnh viện cửa ngõ sẽ có cơ sở vật chất hoàn chỉnh, trang thiết bị y tế đồng bộ và hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Để đảm bảo cơ sở mới của ba bệnh viện cửa ngõ đi vào hoạt động hiệu quả theo đúng kế hoạch đề ra, Sở Y tế đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành thuộc các chuyên khoa khác nhau của ngành y tế TP để thống nhất định hướng phát triển cho các bệnh viện.
Đồng thời góp ý danh mục đầu tư mua sắm thiết bị y tế cho các bệnh viện phù hợp với định hướng phát triển của đơn vị, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Bệnh viện ở cửa ngõ nên được đầu tư xứng tầm
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới ba bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với tổng số vốn hơn 5.600 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các quận huyện, các bệnh viện này còn phải đảm nhận nhiệm vụ điều trị các bệnh lý cho người dân các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – nhận định với việc hiện nay còn nhiều bệnh viện tại TP.HCM thiếu giường bệnh, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thì việc đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế cho ba bệnh viện cửa ngõ TP.HCM sẽ giúp giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giảm mức lưu thông của người bệnh và thân nhân vào nội thành TP.
Sở Y tế TP.HCM cho hay theo kế hoạch tiến độ cam kết của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (làm chủ đầu tư) với UBND TP và Sở Y tế thì sẽ phê duyệt dự án đầu tư của cả ba dự án mua sắm thiết bị trong tháng 10-2024. Triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị vào quý 1 và 2 năm 2025. Hoàn thành công tác cung cấp lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, nghiệm thu và đưa vào khai thác sử dụng thiết bị từ quý 2 đến quý 4-2025.
Trong đó, thiết bị của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ được triển khai cung cấp lắp đặt sớm nhất từ quý 2-2025. Các bệnh viện còn lại sẽ được cung cấp sau nhưng tất cả ba bệnh viện nêu trên sẽ hoàn tất để đưa vào sử dụng toàn bộ thiết bị y tế chuyên môn vào cuối năm 2025.
Có cơ sở mới: đào tạo lại và tuyển gấp nhân sự
Theo bác sĩ Cao Tấn Phước, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, để chuẩn bị đi vào hoạt động, bệnh viện đã gửi đề án về Sở Y tế xin từ 800 nhân sự lên 1.500 nhân sự, hằng tuần bệnh viện đều tuyển nhân viên thông qua hội đồng tuyển dụng để có nhân sự tay nghề, trình độ cao đáp ứng nhu cầu khi bệnh viện lên đến 1.000 giường. Đáng nói, nếu như trước đây số lượng bác sĩ ứng tuyển bệnh viện không nhiều thì khi có cơ sở mới, số lượng bác sĩ ứng tuyển về rất lớn.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết để đảm bảo nhân sự và nâng cao tay nghề bác sĩ, bệnh viện tiếp tục tuyển dụng bác sĩ mới và cử các bác sĩ đi học thêm tại các bệnh viện tuyến cuối để sử dụng thành thạo hơn các máy MRI, CT-Scan… khi được trang bị trong thời gian tới.
Trong khi đó, đề cập đến nhân sự cho các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM cho hay trước đó để chuẩn bị nhân sự, bệnh viện đã gửi đề xuất nhân sự đến Sở Y tế.
Hiện Sở Y tế đã mời chuyên gia góp ý, chỉ đạo công tác nhân sự từ lãnh đạo quản lý cho đến chuyên môn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động đào tạo nhân lực chuẩn bị sẵn cho các bệnh viện. Hy vọng trong thời gian tới, khi được đầu tư mới từ cơ sở vật chất đến thiết bị y tế mới hiện đại, chắc chắn sẽ thu hút được lực lượng y bác sĩ giỏi.
TP.HCM kêu gọi đầu tư nhiều dự án y tế
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền TP.HCM, TS.BS Võ Hoàng Nhân (phòng kế hoạch tài chính Sở Y tế TP.HCM) cho biết trong giai đoạn năm 2026-2030, TP sẽ đầu tư 150 dự án xây dựng và thiết bị y tế, đầu tư hạ tầng và công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư hơn 52.000 tỉ đồng. Trong đó 40 dự án tập trung đầu tư cho công nghệ thông tin, y tế thông minh; 110 dự án xây dựng và trang bị vật tư, trang thiết bị y tế.
TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng 6 dự án về điều trị cho người nước ngoài, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, bệnh viện chữa đột quỵ. 6 dự án được kêu gọi đầu tư theo nghị quyết 181 của HĐND TP.HCM gồm:
* Khu khám điều trị dịch vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
* Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh
* Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM
* 2 Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh
* Bệnh viện thực hành của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Các dự án này sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Số dự án sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM mời gọi các trường đại học y khoa uy tín trên thế giới thành lập và thêm cơ sở, hợp tác với các trường khối sức khỏe trên địa bàn TP để đào tạo, giảng dạy.
Tập trung huy động nguồn lực xã hội để tham gia cùng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành phát triển lĩnh vực chuyên sâu. Huy động doanh nghiệp tư nhân mở trung tâm như tim mạch, bỏng, y học tái tạo, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Ngoài ra, trong bối cảnh các bệnh viện tuyến cuối ngày càng quá tải, TP mong muốn nhà đầu tư có thể triển khai thành lập những bệnh viện cơ sở 2, chẳng hạn với các bệnh viện mắt, chấn thương chỉnh hình…
Sở Y tế cũng cho hay lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận thành lập đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư cùng góp sức thực hiện các dự án, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.