So với hơn 10 năm trước (khi đó có đến 47% nam giới trưởng thành hút thuốc lá), tỉ lệ này đã giảm rất nhiều, nhưng số người hút thuốc ở Việt Nam vẫn rất cao và giảm chậm, cần những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chính vì lý do này, đã và đang có một loạt biện pháp mạnh để giảm nhanh số người hút thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Trong đó, việc Quốc hội vừa ra Nghị quyết cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam tại kỳ họp thứ 8, tháng 11 vừa rồi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan y tế trong và ngoài nước đánh giá sẽ có tác động mạnh đến hiệu quả ngăn ngừa người hút thuốc lá, nhất là thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng thuế thuốc lá sắp tới đây cũng là biện pháp quan trọng cùng hướng tới mục tiêu này.
Theo nghiên cứu của WHO, việc tăng thuế thuốc lá là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ hút thuốc. Nghiên cứu TaXSim chỉ ra rằng nếu Việt Nam tăng thuế theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng/bao vào năm 2030, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm xuống còn 35,8%, đạt mục tiêu chiến lược quốc gia.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về tác động của các biện pháp mới nhất, các biện pháp sắp triển khai để phòng chống tác hại thuốc lá, báo Tuổi Trẻ phối hợp Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức giao lưu trực tuyến “Kinh nghiệm các nước về hiệu quả phòng chống tác hại thuốc lá sau khi cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, bắt đầu từ 14h chiều 12-12.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có câu hỏi về tác động của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới sức khỏe, các động thái sắp tới của Việt Nam, kinh nghiệm các nước về vấn đề này có thể gửi tới các khách mời:
– Bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
– Ông Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.
Câu trả lời sẽ được cập nhật trên tuoitre.vn từ 14h chiều 12-12, mời bạn đọc đón xem.