Trên mạng xã hội, nhiều đồng đội cũ không khỏi đau xót trước sự ra đi đột ngột này, nhưng cũng có những lo lắng về nguy cơ của bệnh vì mức độ nguy hiểm.
Suy tim cấp tính, bệnh nguy hiểm
“Suy tim cấp tính là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đột ngột hoặc là tử vong trong một thời gian ngắn (từ ba đến năm ngày) nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời”. PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam thông tin.
Theo PGS Nam, suy tim cấp thường xảy ra trên những bệnh nhân đã bị suy tim trước đó mà đang trong giai đoạn gắng sức, đặc biệt hay gặp ở các tuyển thủ chơi những môn thể thao gắng sức và có sự đối kháng như đạp xe đạp hay đá banh, bơi lội, chạy marathon, bóng đá, bóng chuyền…
Có những bệnh nhân có đợt suy tim cấp luôn hoặc có những bệnh nhân đã bị suy tim mãn tính sau đó có đợt suy tim cấp.
Với những bệnh nhân đã bị suy tim mãn tính mà còn gắng sức chơi những môn thể thao như đã kể trên sẽ gây ra suy tim cấp tính. Có những trường hợp có thể gục ngay xuống và tử vong.
Ngoài suy tim mãn tính chuyển sang suy tim cấp có những bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh cũng có nguy cơ này. Theo đó, bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh nếu không chú ý hoặc chủ quan, luyện tập thể thao không có ý kiến của bác sĩ về tim mạch hay bác sĩ thể dục thể thao thì cũng có nguy cơ đột tử do suy tim cấp.
Trong thực tế PGS Hoài Nam và những đồng nghiệp của ông gặp nhiều người ở độ tuổi ngoài 40 đến 50 chơi tennis, cầu lông… là những môn thể thao cần gắng sức. Ở lứa tuổi này cơ thể đã bắt đầu lão hóa mà người chơi thường không đi khám bác sĩ tim mạch hay bác sĩ thể dục thể thao trước đó.
“Nếu muốn đi tập các môn thể thao gắng sức rất nên đến cơ sở y tế để được làm nghiệm pháp gắng sức. Bệnh nhân sẽ được cho đạp xe tốc độ và nhân viên y tế sẽ đo điện tim hoặc siêu âm tim trong lúc bệnh nhân gắng sức như vậy” – ông Nam nói.
Có 3 tình huống xảy ra, khi bệnh nhân gắng sức mà kết quả đo điện tim hoặc siêu âm vẫn bình thường thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tập môn thể thao đó.
Còn với những người đến ngưỡng đó không chịu được, kêu nặng ngực, đau ngực thì bác sĩ sẽ khuyên và không cho phép tập những môn này.
Theo PGS Nam, một nguyên nhân nữa gây suy tim cấp là do bệnh nhân bị nhiễm vi rút, vi rút có thể tấn công vào cơ tim gây suy tim cấp.
Triệu chứng của suy tim cấp
Đầu tiên, bệnh nhân mệt khi gắng sức hoặc có những bệnh nhân khi không gắng sức cũng mệt, khó thở, đau ngực.
Với những bệnh nhân nhiễm siêu vi thì có thể hơi sốt nhẹ, khi khám thấy tim to lên nhiều mà người ta thường gọi “tim to như tim bò”, nhịp tim đập rất nhanh trong giai đoạn đầu, có thể lên đến 200 lần/ phút, ở giai đoạn trễ nhịp tim có thể đập chậm lại.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có những dấu hiệu của thiếu máu như môi, tai tím tái. Khi gặp những triệu chứng này bệnh nhân nên đến bệnh viện để được khám ngay.
“Bất cứ người nào cũng có thể bị suy tim cấp”, PGS Nam khẳng định. Tuy nhiên, bệnh suy tim cấp có nguy cao ở những bệnh nhân đã có bệnh tim sẵn như bệnh tim bẩm sinh…
Trong trường hợp các bác sĩ đã khuyến cáo không nên tập luyện do sức khỏe thì phải dừng tập ngay chứ không được tập cố. Trong thực tế cũng đã có những trường hợp dù đã được khuyến cáo nhưng người tập cho rằng “mình còn khỏe lắm” ráng tập và đã lĩnh những” và hậu quả” rất đáng tiếc, PGS Hoài Nam lưu ý.