Ngày 14-10, Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP.HCM) đã tổ chức buổi giám sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP với các sở, ngành liên quan.
Sàn giao dịch thịt heo giải quyết vấn đề nóng an toàn thực phẩm
Theo báo cáo Sở Công thương TP.HCM, TP là địa bàn đông dân cư, là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước.
Ngoài việc cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân TP còn là đầu mối chế biến, kinh doanh cung cấp nông sản, thực phẩm cho các địa phương lân cận và xuất khẩu.
Với nhu cầu tiêu thụ lượng lớn thực phẩm, trong khi sản lượng thực phẩm sản xuất tại TP chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu qua chính ngạch, tiểu ngạch chưa kiểm soát được nguồn gốc và tính an toàn của thực phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM kiến nghị sớm xây dựng mô hình sàn giao dịch thịt heo TP.HCM trong giai đoạn hiện nay.
Cho phép thực hiện thí điểm tổ chức giao dịch mặt hàng thịt heo trên cơ sở tận dụng, khai thác hạ tầng công nghệ, cơ sở pháp lý vốn có của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, thời gian thử nghiệm là hai năm.
Giải thích về điều này, ông Phương cho hay để lên sàn thịt heo phải có tiêu chuẩn đầu vào, nhà sản xuất bắt buộc phải tự mình điều chỉnh tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của sàn.
Do vậy, tiết kiệm được khâu kiểm tra, nâng trách nhiệm nhà sản xuất. Hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng rất có hiệu quả.
Ngoài ra, khi lên sàn, thịt heo bắt buộc phải giết mổ công nghiệp, không mổ thủ công, heo sẽ tự động được đưa về các lò mổ công nghiệp tại TP.HCM giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm rất nóng hiện nay.
Một trong những lợi ích rất lớn là kiểm soát dịch bệnh. Trường hợp heo được vận chuyển từ các địa phương khác đến có dấu hiệu bị bệnh sẽ bị loại và không thể đi vào thành phố được.
Băn khoăn về nhãn mác trái cây nhập khẩu
Ông Cao Thanh Bình – trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM – cho hay qua các khảo sát tại chợ đầu mối, có những đơn vị làm tốt, nhưng cũng có những nơi chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là với trái cây nhập khẩu.
Khảo sát cho thấy có sự lỏng lẻo trong quản lý trái cây nhập khẩu, khi những loại trái cây gắn mác nhập khẩu nhưng thực tế lại là sản phẩm trong nước, đôi khi không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Xung quanh nhiều chợ đầu mối vẫn còn nhiều vấn đề như tình trạng bùn đất, sản phẩm xé nhãn mác bán lẻ và tiểu thương có thể bán hàng quá hạn sử dụng vì lợi nhuận.
Tình trạng buôn bán tự phát trước các chợ đầu mối đang được UBND chỉ đạo rất mạnh để các đơn vị có nhiều giải pháp như: gắn camera phạt nguội, cấm tụ tập buôn bán ngoài lòng lề đường, không cho xuất hiện xe lôi, xe kéo xung quanh chợ…
Tiếp tục để xuất cơ chế dự trữ thuốc hiếm
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết trong năm 2024 đã có hai vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm được ngành y tế phối hợp xử lý.
Đầu tiên là vụ việc xảy ra vào giữa tháng 5, liên quan đến hàng chục sinh viên tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM bị ngộ độc thực phẩm.
Gần nhất vào tháng 10, có 6 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau bữa ăn ở trường.
Ông Nam cũng chia sẻ, nhiều loại ngộ độc ở Việt Nam không có thuốc điều trị, phải mua ở nước ngoài giá rất đắt, có loại lên đến vài trăm triệu đồng, do đó, cần có cơ chế dự trữ các thuốc quý hiếm.