Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, trong bối cảnh Bộ Y tế đang thúc đẩy việc tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều người bệnh cho rằng việc bán sổ khám bệnh bằng giấy tại nhiều bệnh viện như hiện nay không còn cần thiết.
Sau bài viết “Có hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ khám bệnh còn cần không?”, bạn đọc Nguyễn Đước cho rằng các bệnh viện cần sớm “khai tử” sổ khám bệnh bằng giấy.
Cuốn sổ không còn chỗ bấm toa thuốc
Tôi bị bệnh viêm dạ dày và viêm ruột mãn tính nên phải thường xuyên ra vào bệnh viện để thăm khám và điều trị bệnh ngoại trú đối với người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT).
Sổ khám bệnh bằng giấy của tôi mua ở bệnh viện theo thời gian ngày càng dày lên vì những toa thuốc điện tử của bác sĩ kê toa rồi in ra được y tá bấm vào những trang sổ để lãnh thuốc BHYT.
Hiện sổ khám bệnh bằng giấy mòn và rách một góc. Những dòng chữ trên sổ là tên của cơ sở khám chữa bệnh cũng nhòa đi mặc dù tôi giữ cẩn thận. Cuốn sổ khám bệnh bằng giấy này nay cũng đã không còn trang trống.
Theo lịch hẹn của bác sĩ, 2 tuần sau tôi tái khám, như vậy tôi phải mua sổ khám bệnh mới bằng giấy.
Đây không phải lần đầu tiên tôi dùng sổ khám bệnh bằng giấy. Nhiều năm nay, vì phải thường xuyên ra vào bệnh viện khám bệnh, tôi nhớ mình đã mua hàng chục cuốn sổ khám chữa bệnh ở bệnh viện.
Không chỉ tôi, ba má tôi ở quê lớn tuổi cũng phải dùng số khám bệnh bằng giấy mua ở bệnh viện. Do có nhiều bệnh mãn tính trong người nên nhiều năm nay và hàng tháng ông bà cũng thường xuyên ra vào bệnh viện để thăm khám bệnh theo lời dặn của bác sĩ.
Má nói cũng đã gần chục lần mua sổ khám chữa bệnh vì sổ cũ hết trang trống để bác sĩ hay y tá bấm toa thuốc sau khi bác sĩ thăm khám.
Một cuốn sổ giấy tại các bệnh viện thường bán cho bệnh nhân 5.000 đồng, nhưng không hiểu sao ở bệnh viện tôi đăng ký khám chữa bệnh BHYT, cũng là cuốn sổ khám bệnh giấy nhưng bán 10.000 đồng, gấp đôi giá các nơi khác.
Người bệnh đến các bệnh viện chuyên khoa khác để khám hay chữa bệnh cũng bắt buộc phải mua sổ khám chữa bệnh giấy của bệnh viện đó. Vì vậy mà có lúc trong ngăn tủ của tôi có tới 3 cuốn sổ khám bệnh bằng giấy.
Đây là sự lãng phí không cần thiết đối với bệnh nhân.
Khám bệnh, trả tiền, mua thuốc…đều trình sổ
Thực tế, không ít bệnh nhân lớn tuổi ra vào bệnh viện để thăm khám, điều trị bệnh có người sơ ý đánh rơi sổ khám bệnh bằng giấy cùng các loại giấy tờ tùy thân được kẹp trong sổ khám bệnh.
Vào bệnh viện, chúng ta thường xuyên thấy trên các quầy tiếp nhận bệnh nhân, có những cuốn sổ khám bệnh kèm giấy tờ tùy thân của người bệnh đánh rơi được bệnh viện thông báo để trả lại cho người bệnh…
Có hồ sơ sức khỏe điện tử, chắc chắn sẽ giảm đi việc này.
Cái được tiếp theo của sổ khám bệnh điện tử và là điều chúng tôi hy vọng nhất là giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi.
Theo quan sát, nhiều bệnh nhân khi đến các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện, sau khi trình sổ, giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT để làm thủ tục bốc số thứ tự rồi ngồi chờ gọi số.
Sau khi tới lượt gọi, bệnh nhân lại tiếp tục trình sổ và giấy tờ tùy thân để nhân viên y tế ghi chú vào sổ và chuyển bệnh nhân sang các phòng khám chuyên khoa theo yêu cầu.
Sang các phòng khám chuyên khoa bệnh nhân lại tiếp tục trình sổ theo thứ tự và ngồi chờ để được gọi tên.
Sau khi vào thăm khám, bác sĩ kê toa và in toa thuốc, y tá phụ việc cho bác sĩ bấm toa thuốc vào sổ để bệnh nhân mang sổ và tiếp tục trình sổ tại quầy vào số thanh toán tiền BHYT chênh lệch, nếu có.
Và cuối cùng là tới phòng nhận thuốc BHYT. Một lần nữa bệnh nhân cũng phải trình sổ có toa thuốc của bác sĩ kê toa bấm trong sổ để nhân viên y tế phát thuốc đóng dấu vào toa thuốc trong sổ khám bệnh “bệnh nhân đã nhận đủ thuốc BHYT”.
Cách đây nhiều năm, Bộ Y tế đã có phương án cũng như lộ trình xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử và xóa bỏ sổ khám bệnh giấy.
Hy vọng, sổ khám bệnh bằng giấy thay bằng tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử, sớm được áp dụng đồng bộ để giảm phiền hà và tốn kém không cần thiết đối với người khám chữa bệnh.
Sớm có sổ sức khỏe điện tử để người dân truy cập
Tôi nghĩ hiện bệnh viện vẫn giữ sổ khám giấy không phải vì kiếm lợi vài ngàn đồng mỗi cuốn sổ khám bệnh mà là không có thông tin bệnh sử của người bệnh để kiểm tra.
Để tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử, trước tiên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bệnh án điện tử tại các bệnh viện. Song song đó phải có luật hóa việc lưu trữ cũng như truy cập thông tin sức khỏe của người dân.
Kế hoạch tới năm 2030 mới hoàn thành việc số hóa thông tin bệnh án điện tử là quá chậm so với khả năng công nghệ hiện thời. Chúng ta triển khai thu thập dữ liệu dân cư toàn quốc như thế nào thì cũng nên áp dụng tương tự cho y tế.
Khi có sẵn nền tảng thì triển khai mới dễ, bác sĩ kiểm tra được toàn bộ bệnh sử của bệnh nhân sẽ giảm thời gian khám vì bớt phải hỏi người bệnh và sẽ chẩn đoán cũng như cho phương pháp điều trị chính xác hơn.
Bạn đọc Trương Kiệt