Các nhà nghiên cứu, thuộc Dự án Nghiên cứu toàn cầu về kháng kháng sinh (Gram), đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa ra ước tính về số ca tử vong do kháng kháng sinh từ năm 1999 đến năm 2021 và đưa ra dự báo cho đến năm 2050.
Nghiên cứu dự báo đến giữa thế kỷ này, kháng kháng sinh (AMR – tình trạng vi khuẩn tiến hóa và kháng lại các loại thuốc thông thường trị chúng) là nguyên nhân trực tiếp khiến 1,91 triệu người chết đi mỗi năm, tăng từ 1,14 triệu người/năm hồi năm 2021.
Ngoài ra, đến năm 2050, kháng kháng sinh cũng góp phần gây 8,2 triệu ca tử vong hằng năm, tăng so với 4,71 triệu ca của năm 2021.
Nghiên cứu cũng phát hiện hàng triệu ca tử vong trên toàn cầu có thể được ngăn ngừa nhờ phòng ngừa nhiễm trùng tốt hơn và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cũng như việc tạo ra các loại kháng sinh mới.
“Những phát hiện trên nhấn mạnh rằng kháng kháng sinh đã là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu trong nhiều thập kỷ và mối đe dọa này ngày càng tăng”, ông Mohsen Naghavi, tác giả nghiên cứu và làm việc tại Viện Đo lường sức khỏe thuộc ĐH Washington (Mỹ), cho biết.
Nghiên cứu, có sự tham gia của hơn 500 nhà nghiên cứu trên thế giới, cũng phát hiện số ca tử vong do kháng kháng sinh giảm đáng kể ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 488.000 xuống 193.000 trong giai đoạn 1990 – 2022. Con số này dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2050.
Tuy nhiên, số ca tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc lại tăng ở tất cả các nhóm tuổi khác.
Theo đó, số ca tử vong do kháng kháng sinh trong số những người trên 70 tuổi đã tăng 80% trong 30 năm qua và dự kiến sẽ tăng 146% vào năm 2050, từ 512.353 ca lên 1,3 triệu ca.
Xu hướng này phản ánh sự già hóa dân số nhanh chóng, trong đó người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, hệ miễn dịch kém đi theo thời gian cũng khiến cho việc tiêm chủng ít hiệu quả hơn đối với người già.
Nghiên cứu dự đoán số ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh cao nhất trong tương lai xảy ra tại các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, cũng như các khu vực khác của đông và nam Á, khu vực châu Phi cận Sahara.
Nghiên cứu, đăng trên tạp chí The Lancet ngày 16-9, cũng là phân tích toàn cầu đầu tiên về xu hướng kháng kháng sinh theo thời gian.