Thuốc BHYT tại Việt Nam có độ bao phủ tốt
Ngày 25-10, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 dự thảo thông tư liên quan danh mục, tỉ lệ và điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc y học cổ truyền… trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh thuốc luôn chiếm một tỉ trọng lớn trong chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Dù tỉ lệ chi này đã giảm dần qua các năm, chi phí thuốc vẫn ở mức cao, cụ thể năm 2020 là 40,42 nghìn tỉ đồng (34,75%), năm 2021 là 34,48 nghìn tỉ đồng (34,86%) và năm 2022 là 40,57 nghìn tỉ đồng (33,41%).
Hiện nay chi trả chi phí thuốc cho người tham gia BHYT tuân theo thông tư 20/2022/TT-BYT với 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu trong danh mục được hưởng BHYT.
Thứ trưởng Thuấn cũng cho hay danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam có độ bao phủ tốt hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Singapore.
“Hiện nay, đã có một số bất cập trong thông tư 22 cần được điều chỉnh, đặc biệt liên quan đến thanh toán thuốc cho khám chữa bệnh từ xa – lĩnh vực đã có quy định trong Luật Khám chữa bệnh 2023, nhưng chưa được phản ánh trong danh mục thuốc BHYT”, ông Thuấn nói.
4 điểm mới trong dự thảo thông tư
Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), chia sẻ 4 điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này.
Thứ nhất, dự thảo sẽ cập nhật thêm các thuốc mới có chi phí hợp lý và hiệu quả điều trị cao, nhằm đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị trên mọi cấp độ từ trung ương đến cơ sở y tế ban đầu.
Thứ hai, ban soạn thảo sẽ rà soát toàn bộ danh mục hiện hành, loại bỏ những thuốc có cảnh báo liên quan đến điều trị hoặc không còn phù hợp về chi phí và hiệu quả. Điều này sẽ giúp người tham gia BHYT được sử dụng các thuốc hiệu quả và hợp lý hơn.
Thứ ba, thông tư mới sẽ điều chỉnh nguyên tắc và tiêu chí đưa thuốc vào hoặc loại ra khỏi danh mục BHYT, bảo đảm cập nhật nhanh chóng, khách quan và khoa học, trong khi vẫn cân đối với quỹ BHYT. Y tế cơ sở tuyến dưới sẽ được ưu tiên tiếp cận các thuốc điều trị hiệu quả nhất, phù hợp với năng lực chuyên môn của từng cơ sở.
Cuối cùng, dự thảo thông tư lần này cũng điều chỉnh nguyên tắc thanh toán để đảm bảo linh hoạt theo đúng quy định chuyên môn của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Theo đó, bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào có đủ năng lực điều trị đều có thể thanh toán thuốc theo mặt bệnh, không phân biệt tuyến.
Bà Trang cũng cho hay việc cập nhật danh mục thuốc sẽ diễn ra thường xuyên, ít nhất một năm một lần, đặc biệt ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm y tế xã, giúp tuyến dưới mở rộng quyền sử dụng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị kịp thời cho người bệnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc xây dựng thông tư góp phần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT.