Ngày 4-7, giữa “rừng” số điện thoại quảng bá dịch vụ “tiêm truyền tại nhà”, chúng tôi liên hệ với một tài khoản Zalo có tên bác sĩ T.Y.D., liền được xếp lịch truyền thải độc gan tại nhà.
Chỉ trong vòng một giờ, vị “bác sĩ” này có mặt tại nhà khách hàng trong trang phục quần tây áo sơ mi, các dụng cụ y khoa, kèm thuốc được để gọn trong ba lô chuẩn bị hành nghề.
“Chị yên tâm, thuốc này chích vào chỉ có khỏe người ra chứ không biến chứng gì cả”, người này chuẩn bị “hành nghề”, miệng thao thao trấn an khách.
Chỉ cần “a lô”, tiêm truyền gì cũng có
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các dịch vụ tiêm truyền tại nhà hiện nay rất phổ biến, với nhiều loại thuốc, dịch truyền, vitamin khoáng chất… và ai cũng có thể thoải mái lựa chọn theo nhu cầu sức khỏe.
Tại TP.HCM, chúng tôi dễ dàng liên hệ đặt lịch khám, truyền nước biển tại nhà với một vị “bác sĩ” có tên T.Q.H.. Sau khi gửi địa chỉ nhà, chỉ trong vòng khoảng 30 phút sau “bác sĩ” H. đã tới tận nhà để “hành nghề”.
Theo quan sát, mọi công đoạn từ đo huyết áp đến tư vấn tình trạng sức khỏe phù hợp truyền loại thuốc nào được “bác sĩ” này tiến hành nhanh gọn trong vòng 10 phút. Khi mọi thủ tục thăm khám đã xong, anh ta ngay lập tức mở ba lô lấy dụng cụ và các thuốc truyền có thể truyền cho khách.
Chứng kiến màn truyền nước biển của “bác sĩ” H. có phần sơ sài, chúng tôi yêu cầu muốn xem giấy chứng chỉ hành nghề. Ngập ngừng vài giây, “bác sĩ” này khẳng định mình đã hành nghề được 3 – 4 năm và có kinh nghiệm truyền nước biển tại nhà cho rất nhiều người.
“Chứng chỉ tôi chắc chắn phải có chứ, tuy nhiên hôm nay tôi vội đi nên quên không mang theo bên người”, người này viện cớ nói.
Người này còn không ngần ngại chia sẻ gần đây các cơ quan chức năng kiểm tra rất “gắt gao” với dịch vụ truyền nước biển tại nhà nên “cũng nhạy cảm và hạn chế nhận khách”.
Với mong muốn truyền dịch cho cụ bà 80 tuổi, chúng tôi tiếp tục liên hệ vào số điện thoại của người phụ nữ quảng cáo “dịch vụ tiêm truyền tại nhà ở Hà Nội”.
Người phụ nữ này tư vấn nếu cụ mệt có thể truyền nước và vitamin có giá 200.000 đồng/lọ, còn với bổ não phải tiêm 10 liều liên tục trong 10 ngày với giá 250.000 đồng/ống (bao gồm cả tiền công tiêm). Sau khi thỏa thuận đồng ý sử dụng dịch vụ, người phụ nữ này hẹn trả lời sau hai phút để “điều người” gần khu vực đến tiêm truyền.
Khoảng 30 phút sau, một cô gái trẻ cầm theo một túi đựng dụng cụ đến nhà riêng thực hiện tiêm truyền. Cô gái này giới thiệu tên là H. (23 tuổi), vừa tốt nghiệp điều dưỡng năm 2023 và hiện đang “làm thêm” tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Người này không ngần ngại tiết lộ mình chưa có chứng chỉ hành nghề, bởi điều kiện được cấp chứng chỉ là phải có thời gian thực hành ở bệnh viện công hơn một năm. “Truyền dịch chỉ là công việc làm thêm của em, hôm nay bạn em bận nên em đi tiêm thay chứ không thông qua bên trung gian nào cả”, H. nói.
Chúng tôi từ chối truyền dịch, H. cố gắng thuyết phục rằng điều này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
“Bây giờ cụ đang mệt, ăn uống ít như vậy thì gia đình nên truyền vitamin cho cụ. Cụ cũng hơi lẫn rồi nên tiêm bổ não luôn chị ạ. Nếu không truyền cụ ngày càng yếu đi sẽ mệt hơn. Bây giờ nếu đưa cụ vào viện cũng phải lâu mới nhập viện được. Chị cứ truyền thử một chai rồi theo dõi tiếp xem cụ có đỡ mệt không”, H. nói. Sau một lúc thuyết phục không được, H. mới chịu ra về.
Nguy cơ biến chứng tử vong cao
Hiện tượng tiêm truyền vô tội vạ đang thực sự đáng báo động ở các thành phố lớn khi chỉ trong vài ngày gần đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM liên tục phát hiện các công ty quảng cáo và cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái quy định.
Mới nhất là Công ty TNHH dịch vụ chăm sóc y tế VMEDI (đóng tại quận Bình Tân), bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện quảng cáo trái phép dịch vụ cung ứng “truyền nước biển tại nhà – dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP.HCM”.
Người cung ứng dịch vụ được xác định là bà V.K.P. (32 tuổi) không có chứng chỉ hành nghề và đã truyền dịch tại nhà cho hai khách hàng với giá tiền 350.000 đồng/người.
Thanh tra sở còn xác định công ty này có trang Facebook “Truyền nước biển tại nhà – Dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà TP.HCM” và website “Vmedi.com.vn” để kết nối với các “bác sĩ”, “điều dưỡng” tham gia cung ứng khi khách hàng có nhu cầu.
Qua kiểm tra có hơn 40 tài khoản đăng ký tham gia, trong đó có 20 tài khoản là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng.
Tương tự, Sở Y tế còn phát hiện Công ty TNHH y tế Toàn Phúc (đóng tại quận 11) do ông H.Q.D. (làm giám đốc công ty) thực hiện các dịch vụ y tế tại nhà như khám bệnh, truyền nước biển, tiêm thuốc.
Thanh tra sở đã yêu cầu các cơ sở trên ngưng ngay các hoạt động khám chữa bệnh, kinh doanh khi chưa được cấp phép, đồng thời khẳng định sẽ cương quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật này vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người dân.
Với một dịch vụ tiềm ẩn rủi ro như thế nhưng thực tế còn nhiều người hễ mệt mỏi là tìm đến dịch vụ tiêm truyền tại nhà, bởi cho rằng tiện lợi, đơn giản, khó xảy ra biến chứng. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp gặp tai biến, thậm chí mất mạng vì điều này.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân 31 tuổi vào Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) trong tình trạng vật vã, không đo được huyết áp, mạch nhanh kèm sốt cao. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sốc phản vệ với tỉ lệ tử vong cao.
Khai thác bệnh sử ghi nhận trước đó người này đã nhờ một người được cho là y tá đến tận nhà mình để truyền dịch và tiêm vitamin tổng hợp. Ngay sau tiêm, tình trạng sức khỏe của người bệnh xấu đi rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, khoa cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM), khuyến cáo người dân không nên tự ý truyền dịch, lấy máu xét nghiệm… tại nhà, mà cần phải tham khảo tư vấn và được sự chỉ định của bác sĩ.
“Tốt nhất người dân có nhu cầu truyền dịch cần đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, người bệnh sẽ được khám sàng lọc và đánh giá có đủ điều kiện truyền dịch hay không.
Việc truyền dịch tại nhà có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ nhẹ đến rất nặng đối với người bệnh như có thể gây vỡ mạch máu tại vùng tiêm, tụ máu, phù nề ở vùng da lân cận hoặc dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Trung khuyến cáo.
Còn việc vô tư tiêm thuốc nội tiết tại nhà, bác sĩ Lê Vũ Tân, khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cảnh báo có thể đối diện tình trạng nhiễm trùng, rối loạn nội tiết và các tác dụng phụ trên cơ thể (cả sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản).
Truyền nước không phải là thần dược
Trong các dịch vụ truyền dịch tại nhà, truyền dịch (còn gọi là nước biển) đã xuất hiện từ lâu, phổ biến khắp thành thị đến vùng nông thôn. Nhiều người cho rằng việc truyền nước biển tại nhà sẽ tiện lợi hơn, thao tác lại đơn giản, khó xảy ra biến chứng.
Chỉ cần thấy mệt mỏi, trong người không khỏe, truyền dịch được coi như thần dược chữa bách bệnh. Vốn có tiền sử rối loạn tiền đình, chị Hoa (40 tuổi, Hà Nội) trở thành khách quen của dịch vụ tiêm truyền tại nhà.
Chị chia sẻ mỗi khi đau đầu, chóng mặt, cảm giác mệt mỏi chị lại gọi người về nhà truyền nước. “Mỗi lần như vậy thấy cũng khỏe hơn nên dần thành quen, có tháng phải truyền hai lần”, chị Hoa nói.
Ông Nguyễn Trọng Diện, giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cũng cho rằng hiện nay việc quản lý những người cung cấp dịch vụ tiêm truyền tại nhà là rất khó. Trong trường hợp người dân có nhu cầu gọi trực tiếp dịch vụ đến nhà thì rất khó để kiểm soát. “Chủ yếu vẫn là khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ y tế an toàn, không tiêm truyền tại nhà”, ông Diện nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), việc quan trọng hiện nay là cần tuyên truyền cho người dân hiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiêm truyền tại nhà.
Với những trường hợp sốc phản vệ, việc cấp cứu ở bệnh viện còn gặp khó khăn. Nếu tiêm truyền tại nhà, những nguy cơ tăng lên gấp nhiều lần, do đó tuyệt đối không tiêm truyền tại nhà.
Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề mới được tiêm truyền
Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng này, các chuyên gia khẳng định việc tiêm truyền bất kỳ loại dịch, thuốc gì vào cơ thể cũng cần phải thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa, chủ nhiệm khoa khám bệnh Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh các hoạt động khám chữa bệnh tại nhà (trong đó có truyền dịch, xét nghiệm máu, tiêm nội tiết) là một trong các hoạt động khám chữa bệnh lưu động.
Dịch vụ y tế tại nhà này phải được cung cấp bởi cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, có đủ người hành nghề, thiết bị y tế, cơ sở
vật chất… Người chịu trách nhiệm chuyên môn khám chữa bệnh lưu động phải có giấy phép hành nghề còn hiệu lực và đã có thời gian hành nghề tối thiểu 36 tháng.
Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cũng nhấn mạnh các dịch vụ tiêm truyền tại nhà là hoàn toàn sai về chuyên môn và quy định trong khám chữa bệnh. Theo quy định, người thực hiện tiêm truyền phải là bác sĩ có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh và phải khám cho người bệnh trước khi tiêm truyền.
“Kể cả điều dưỡng cũng không được thực hiện tiêm truyền cho người bệnh, mà chỉ thực hiện theo y lệnh của bác sĩ và theo dõi trong quá trình người bệnh truyền dịch”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam khẳng định.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, hiện nay việc tiêm truyền tại nhà diễn ra phổ biến do nhu cầu của người dân tăng cao, trong khi đó quy định hiện nay việc thực hiện tiêm truyền phải được thực hiện ở các cơ sở y tế được cấp phép.
Như vậy, những người tiêm truyền tại nhà chủ yếu là làm “chui”, tuy vậy để quản lý và xử phạt những người này rất khó khăn, bởi hầu hết chỉ khi có tai biến xảy ra mới phát hiện và xử lý.
“Vì vậy, có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với những người làm dịch vụ tiêm truyền tại nhà, có chế tài xử phạt nặng để răn đe. Các cơ sở, địa phương cần tăng cường thanh tra kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên việc phát hiện không dễ dàng bởi chủ yếu dịch vụ là thỏa thuận, người dân trực tiếp gọi điện, trao đổi để tiêm truyền tại nhà”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho rằng ngành y tế các địa phương cần quy định chặt chẽ hơn và tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng hơn nữa với những cá nhân, đơn vị có triển khai các dịch vụ tiêm truyền tại nhà trái phép.
Đồng thời tuyên truyền cho người dân khi cần tiêm truyền cần đến các cơ sở y tế, không vì muốn tiện lợi mà mời gọi người không có chuyên môn từ mạng xã hội đến tận nhà để tiêm truyền.