Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (diễn ra từ ngày 22-7 đến 24-7), Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin tỉnh đang thiếu bác sĩ và cần thêm khoảng 300 người nhưng tuyển dụng gặp khó, tỉ lệ bác sĩ tại tỉnh hiện chỉ là 8,6 bác sĩ/10.000 dân.
Cần chính sách thu hút để chấm dứt tình trạng thiếu bác sĩ
Đứng trước việc thiếu bác sĩ trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, ông Phạm Minh Đức – giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi – đề xuất cần có chính sách mới thu hút lực lượng bác sĩ. Chỉ có làm vậy mới thu hút được bác sĩ giỏi về tỉnh cống hiến.
Ông Đức cũng đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh cần có cơ chế, chính sách đánh giá lại đúng thực trạng và điều chỉnh lại tỉ lệ tự chủ của ngành y tế.
Năm 2023, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ ở nhiều lĩnh vực đến năm 2025.
Trong 218 chỉ tiêu thu hút nguồn nhân lực giỏi, ngành y tế có 182 chỉ tiêu, bao gồm: Y đa khoa; giải phẫu bệnh; sản khoa; y học cổ truyền; ngoại chấn thương; ngoại niệu; ngoại nhi; dược; mắt; hồi sức; chẩn đoán hình ảnh…
Dù quyết định đã ban hành, nhưng việc thu hút vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó nhất là “chuẩn” quá cao, khi yêu cầu “nhân tài” đáp ứng các tiêu chí, điều kiện xét tuyển, như: Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học có tuổi đời dưới 30; người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học dưới 35 tuổi.
Từng thu hút được nhân tài, nhưng chính sách chưa thực hiện đủ
Trước đây, vào năm 2013 Quảng Ngãi cũng “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài ngành y với quyết định 27/2013. Đến năm 2016, lại ban hành quyết định 57/2016 về chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi.
Để thu hút, các quyết định này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, như hỗ trợ 200 triệu đồng với bác sĩ công tác ở đồng bằng; 300 triệu đồng với bác sĩ công tác ở miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.
Các bác sĩ trong diện thu hút được mua đất theo giá nhà nước để sinh sống và cống hiến lâu dài.
Tuy nhiên chính sách này mới thực hiện được “một nửa”. Toàn tỉnh chỉ có 8 trường hợp bác sĩ diện thu hút được mua đất theo giá nhà nước, còn lại vẫn “chưa thấy đâu”.
Một bác sĩ về tỉnh Quảng Ngãi theo chính sách thu hút năm 2016 chia sẻ: “Tôi học y tại Đại học Y Dược Huế, đáng ra là về quê Quảng Trị làm việc, nhưng thấy chính sách thu hút của Quảng Ngãi tốt, nên về công tác ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi được 8 năm.
Đến nay vẫn phải thuê trọ sống, có lần tôi và nhiều bác sĩ lên Sở Tài nguyên và Môi trường hỏi việc mua đất giá nhà nước theo quyết định của chính sách thu hút. Nhưng sở nói hết quỹ đất rồi, và chúng tôi lại chờ”.
Để giải quyết thiếu hụt bác sĩ, cần “hạ chuẩn” thu hút phù hợp với thực tế địa phương và chính sách tại các quyết định thu hút cần thực hiện đầy đủ, có như vậy nhân tài mới ở lại với ngành y nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.