Các nhà khoa học của ĐH Stanford (Mỹ) phát hiện một loại thuốc nhuộm sinh học có khả năng biến một số bộ phận của chuột thành trong suốt, hỗ trợ lớn cho chẩn đoán thương tật và khối u trong tương lai.
Theo trang ScienceAlert ngày 5-9, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thuốc nhuộm tartrazine có khả năng hấp thu một lượng lớn ánh sáng có màu phù hợp, cho phép họ điều chỉnh chỉ số khúc xạ của chất lỏng bao quanh tế bào và giảm đáng kể sự tán xạ, giúp da, cơ và mô liên kết tạm thời trở nên trong suốt.
Thuốc nhuộm tartrazine, hay còn được biết đến là FD&C Yellow No. 5, là loại thuốc nhuộm màu vàng cam thường được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và thuốc.
“Thuốc nhuộm này tương thích sinh học (khái niệm đề cập đến sự tương tác giữa các mô và hệ thống sinh lý của bệnh nhân được điều trị bằng thiết bị y tế), do đó an toàn với sinh vật sống. Ngoài ra chúng rất rẻ và hiệu quả mà không cần dùng lượng lớn”, nhà khoa học Zihao Ou, thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết.
Việc bôi thuốc nhuộm tartrazine màu vàng cam và nước lên bụng chuột giúp nhóm nhìn thấy rõ gan, ruột và bàng quang của chúng. Bôi thuốc nhuộm lên da đầu giúp các nhà khoa học quan sát được các mạch máu trong não chuột, theo báo Guardian.
Làn da bôi thuốc nhuộm sẽ trở lại màu sắc vốn có sau khi được rửa sạch. Nhóm tin rằng công nghệ này sẽ mở ra nhiều ứng dụng cho con người, từ việc xác định vị trí chấn thương và tìm tĩnh mạch để lấy máu cho đến theo dõi các rối loạn tiêu hóa cũng như phát hiện sớm và điều trị ung thư.
Ngoài ra, thuốc nhuộm cũng giúp ích trong việc quan sát và nghiên cứu sự phát triển của bệnh tật, chẳng hạn như khối u, trong cơ thể của nhiều loài động vật hơn. Trước nay, các nhà khoa học chỉ quan sát và theo dõi sự phát triển ung thư ở loài cá ngựa vằn vốn có phôi trong suốt tự nhiên.
“Thay vì dựa vào sinh thiết xâm lấn, các bác sĩ có thể chẩn đoán khối u nằm sâu trong cơ thể bằng cách kiểm tra mô của một người mà không cần lấy mẫu sinh thiết”, tiến sĩ Guosong Hong, thuộc nhóm nghiên cứu, nói.
Hiện tại độ trong suốt chỉ giới hạn ở những bộ phận cơ thể mà thuốc nhuộm có thể thẩm thấu tới, song tiến sĩ Hong cho biết miếng dán hoặc kim tiêm có thể giúp thuốc nhuộm thâm nhập sâu hơn.
Nghiên cứu này vẫn chưa được thử nghiệm trên người. Do đó, nhóm cần phải chứng minh thuốc nhuộm an toàn khi sử dụng cho người, đặc biệt là nếu thuốc được tiêm dưới da.