Những điều cần biết để phòng tránh bệnh da liễu sau mưa lũ

Nấm da là bệnh da liễu thường gặp sau những đợt mưa lũ kéo dài – Ảnh: BSCC

Về hướng điều trị và phòng chống các bệnh về da cho người dân sau đợt bão lũ, TS.BS Vũ Thái Hà – trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) – cho biết ngoài các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, thì các bệnh về da cũng gia tăng.

Các bệnh da gặp trong và sau mùa mưa bão bao gồm các bệnh da mới phát sinh, các bệnh da có sẵn bị nặng lên. Mưa bão, ngập lụt, đi lại khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc thăm khám, điều trị các bệnh lý da mạn tính. Ở thời điểm này, người dân cần chú ý tới các bệnh về da như sau:

Nhiễm nấm da: Vị trí thường nhiễm nấm là nấm bàn chân, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm bàn tay. Nấm bàn chân thường hay gặp ở kẽ ngón, có thể lan cả bàn chân. Triệu chứng thường viêm đỏ, dày da vùng kẽ ngón chân hoặc toàn bộ lòng bàn chân hoặc xuất hiện mụn nước, bọng nước kèm ngứa nhiều do mưa lũ, ngập lụt, người dân thường xuyên ngâm chân trong nước, nước bẩn làm gia tăng tỉ lệ nhiễm nấm bàn chân.

Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn. Triệu chứng là xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần, bờ thương tổn đỏ hoặc có mụn nước và có hình đa cung. Nguyên nhân là mùa mưa, lũ, lụt thì quần áo dễ ẩm ướt nên vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.

Đối với bệnh về nấm da, người dân cần chú ý đảm bảo sự khô ráo trên người, chân, tay, vệ sinh sạch da sạch khi có thể. Điều trị bằng các thuốc bạt sừng, chống nấm dưới sự hướng dẫn và thăm khám của bác sĩ da liễu.

Trong trường hợp ở lâu trong vùng lũ lụt, mưa bão thì sau khi thoát khỏi tình trạng này, cần tắm sạch bằng xà phòng hoặc sữa tắm, lau khô, nhất là các nếp gấp như kẽ chân, bẹn, nách. Nếu có các triệu chứng nấm da liên hệ bác sĩ da liễu gần nhất để khám và điều trị.

Các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn da: Chốc, nhọt, viêm nang lông, viêm mô bào xuất hiẹn khi mưa lũ, ngập úng, điều kiện vệ sinh kém, da xây xát, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương khi ngâm trong nước lâu, vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng ngoài da. Biểu hiện là da có các sẩn, cục sưng nóng đỏ đau, có thể có ngòi mủ hoặc bọng mủ, đóng vảy tiết.

Để điều trị, cần dùng dung dịch sát khuẩn/kháng sinh tại chỗ, trường hợp nặng cần dùng kháng sinh toàn thân. Cần vệ sinh cơ thể ngay khi có thể và luôn giữ khô da nếu được.

Bệnh ghẻ, hiện tượng chấy rận: Do vệ sinh kém, môi trường sống chật chội làm gia tăng nguy cơ bệnh ghẻ, chấy rận và lây lan. Bệnh ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Bệnh ghẻ là các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục và ngứa rất nhiều về đêm.

Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, chốc hóa.

Chấy rận do kí sinh trùng chấy gây ra, thường xuất hiện ở da đầu, lông mày, lông mi và vùng lông trên cơ thể. Một số biểu hiện thường gặp như ngứa nhiều, vết cắn nhỏ, trứng chấy, chấy, rận trưởng thành. Điều trị bằng dầu gội/ thuốc xịt diệt côn trùng, dùng lược chuyên dụng loại bỏ trứng chấy và chấy trưởng thành ở tóc.

Những điều cần biết để phòng tránh bệnh da liễu sau mưa lũ - Ảnh 2.

Viêm da tiếp xúc với biểu hiện là các vết sẩn đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát và khó chịu nhiều cho người bệnh – Ảnh: BSCC

Các bệnh viêm da tiếp xúc. Bởi nước lũ thường chứa các hóa chất từ các ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình như chất thải, các kim loại nặng, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu.

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với các chất có trong nước lũ, thường gặp ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp với nước như chân, tay với biểu hiện là các vết sẩn đỏ, có thể có mụn nước, sưng nề gây ngứa, rát và khó chịu nhiều cho người bệnh.

Việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt mưa bão cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước. Do đó, phương pháp điều trị bệnh này là dùng thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống chống ngứa.

Bệnh da sẵn có có thể nặng lên sau lũ

Sau bão lũ, người dân có các bệnh da có sẵn, sẽ có diễn tiến nặng lên: Có hai vấn đề chính làm nặng thêm, do lũ lụt dẫn đến lo lắng, căng thẳng và thay đổi môi trường da cũng như tình trạng hàng rào bảo vệ da. Thứ hai là nguy cơ đơn thuốc sẽ không đầy đủ và đúng hướng dẫn do đi lại để thăm khám định kỳ sẽ khó khăn.

Một số bệnh nặng lên do tâm lý căng thẳng, lo lắng như: Vảy nến, viêm da dầu, rụng tóc từng mảng, viêm da cơ địa. Các bệnh không thực hiện đúng đơn thuốc hoặc tái khám được cũng như thiếu thuốc làm nặng lên như: Viêm da cơ địa, vảy nến. Nếu không quan tâm, duy trì bôi dưỡng ẩm thường xuyên cũng có thể bị nặng lên.

Các bệnh lý da mạn tính cần quản lý lâu dài như vảy nến, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm da cơ, bệnh da bọng nước tự miễn. Do đó, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để tránh làm nặng bệnh, cần tham vấn của bác sĩ chuyên khoa Da liễu qua online hay trực tiếp, tùy tình hình phù hợp.

Phòng bệnh về da trong và sau mưa bão, người dân cần vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày; mang các dụng cụ bảo hộ nếu phải đi vùng nước ngập.

Sau khi tiếp xúc với nước mưa, lũ, rửa lại bằng nước sạch, lau thấm khô, chú ý các nếp kẽ như kẽ ngón, nách, bẹn.

Người dân cũng cần lưu ý tránh tiếp xúc với nước lũ nếu có vết thương hở; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch; làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám hoặc tư vấn online hoặc tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh; làm sạch vùng cơ thể và để khô ráo ngay khi có thể nhất.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giữ gìn vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với nước ô nhiễm, chăm sóc vết thương kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe phòng tránh bệnh da liễu sau những đợt mưa lũ kéo dài.

Vì vậy, người dân cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về y tế, cần theo sát các thông tin về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế. Khi có phát sinh bệnh dịch, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *