Ngày 19-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược.
Ông Lê Ngọc Danh – trưởng phòng quản lý dược (Sở Y tế TP.HCM) – cho biết trải qua 10 năm từ khi luật Dược ban hành (năm 2016), qua quá trình phát triển nhanh, nhiều vấn đề hiện nay sẽ có độ vênh nhất định do đó cần được bổ sung và xem xét.
Như trước đây, oxy y tế nằm trong danh mục trang thiết bị, nhưng hiện nay theo luật Dược bổ sung, sửa đổi đã bỏ ra khỏi danh mục trang thiết bị. Như vậy, các cơ sở y tế sẽ không biết sẽ quản lý như thế nào.
Theo bác sĩ Danh, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp oxy y tế nằm trong danh mục thuốc thiết yếu.
Do đó, luật Dược mới cần quy định rõ với oxy y tế để các cơ sở y tế áp dụng không gặp khó khăn.
Ngoài ra, những sản phẩm thuốc đạt chất lượng có thể hướng tới gian hạn tự động số đăng ký hoặc cấp phép một lần.
Bên cạnh đó, hiện nay nghị định, thông tư hướng dẫn chưa có sự đồng bộ, kịp thời.
Rõ nhất là luật đấu thầu có hiệu lực ngày 1-2-2024, nhưng nghị định lại được ký vào ngày 27-2-2024 và mới bắt đầu có hiệu lực.
Do đó khi ban hành luật phải có nghị định, thông tư đồng bộ mới có hiệu quả.
Cũng theo ông Danh, cần có quy định thuốc cổ truyền nếu được sản xuất tại bệnh viện y học cổ truyền từ tuyến tỉnh trở lên thì được bán cho các cơ sở trên địa bàn để cung ứng cho người bệnh.
TP.HCM có hai bệnh viện y học cổ truyền có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP – WHO duy nhất trên cả nước nhưng không thể bán được vì bệnh viện không phải cơ sở kinh doanh.
Nếu muốn bán cho cơ sở khác phải đấu thầu, nhiều bệnh viện muốn mua thuốc cổ truyền của các bệnh viện y học cổ truyền cũng không được.
Bà Nguyễn Thị Hà – khoa dược, trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐH Quốc Gia TP.HCM) – cho biết chúng ta có một danh mục thuốc rất quan trọng với ngành dược đó là danh mục thuốc được BHYT chi trả, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận của người dân.
Thực tế, hiện nay trong luật Dược chưa đề cập đến tiêu chí, nguyên tắc, điều kiện nào với một loại thuốc để đưa vào danh sách BHYT chi trả.
“Chúng ta đã có quy định rất chặt chẽ về đấu thầu, tuy nhiên việc lựa chọn thuốc đưa vào danh mục BHYT gần chúng ta chưa có bất kỳ thông tư gì.
Hiện Bộ Y tế đã ban hành dự thảo về nguyên tắc và tiêu chí để đưa một loại thuốc vào danh mục BHYT chi trả, nhưng chưa có thông tin trong luật Dược về vấn đề này”, bà Hà cho hay.
Cũng theo bà Hà, hiện nay rất nhiều các thuốc có hiệu quả nhưng có giá cao, có những trường hợp bệnh nhân ung thư để kéo dài sự sống thêm một năm phải chi trả cả tỉ đồng.
“Với trường hợp như thế chúng ta có nên xem xét để đưa vào danh mục thuốc BHYT trong bối cảnh quỹ BHYT giới hạn như hiện nay. Lựa chọn thuốc danh mục BHYT phải bám sát các hoạt động khám, chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”., bà Hà nói.
Tháng 6-2024, Bộ Y tế đã trình Quốc hội tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, dự luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký, lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc…