Cuối tháng 11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố chọn ông Jay Bhattacharya làm giám đốc Viện Y tế quốc gia (NIH).
Nếu được thông qua, chức vụ mới của ông Bhattacharya sẽ đánh dấu sự trở lại ngoạn mục trong nội bộ cộng đồng y học Mỹ.
Viện Y tế quốc gia Mỹ là gì?
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) là tổ chức công tài trợ cho các nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới. NIH nằm dưới quyền quản lý của Bộ Y tế và các vấn đề nhân sinh, bao gồm 27 viện thành viên phụ trách nghiên cứu các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tật khác nhau.
Từ lâu, NIH đã được xem là “viên ngọc quý của chính phủ liên bang” khi được cấp ngân sách năm lên đến gần 50 tỉ USD dù chỉ là một cơ quan nghiên cứu.
Hầu hết ngân sách này được cấp cho các nhà khoa học ngoài tổ chức. Những nghiên cứu muốn được NIH tài trợ phải vượt qua một quá trình đăng ký với tỉ lệ chọi vô cùng cao.
Nhờ việc tuyển chọn gắt gao và ngân sách dồi dào, các nghiên cứu được cơ quan này hậu thuẫn đã thu về đến 100 giải Nobel.
Có đến trên 99%, tức gần như toàn bộ, thuốc được các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ cấp phép trong giai đoạn 2010 – 2019 xuất phát từ các nghiên cứu do NIH tài trợ.
Trong lịch sử, NIH thường có được sự hậu thuẫn từ cả hai chính đảng Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến một bộ phận không nhỏ Đảng Cộng hòa quay lưng với cơ quan này.
Ông Robert Kennedy Jr., người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Y tế và các vấn đề dân sinh, cho biết ông dự định sẽ cải tổ đáng kể cơ quan này trong nhiệm kỳ sắp tới. Cụ thể, ông Kennedy muốn NIH dưới thời của mình tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu chữa các bệnh mạn tính, thay vì các bệnh truyền nhiễm như hiện tại.
Hai dân biểu của Đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và thương mại Cathy McMorris Rodgers, đã đề xuất tăng cường giám sát chính trị với hoạt động của NIH và tinh giản các viện thành viên của cơ quan này từ 27 xuống chỉ 15.
Nhà khoa học bị hiểu lầm hay người được thời thế chọn?
Theo Washington Post, ông Bhattacharya lấy bằng tiến sĩ y học tại ĐH Stanford danh giá. Trước đại dịch, vị trí nổi bật nhất của ông là lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Nhân khẩu học và Kinh tế về sức khỏe và lão hóa của ĐH Stanford.
Ông thường xuyên chấp bút những bài luận về chính sách y tế, đồng thời là thành viên của hội đồng xét duyệt NIH. Ông được đồng nghiệp và học viên yêu quý, mô tả là người ấm ấp, ham học hỏi và hay hỗ trợ nhiệt tình những nghiên cứu riêng của người khác.
Từ trước đại dịch, ông đã kêu gọi cải tổ NIH và một số cơ quan chính phủ khác. Năm 2018 và 2020, ông cùng đồng nghiệp đã công bố hai nghiên cứu khác nhau kêu gọi NIH “làm nhiều hơn để khuyến khích khoa học đổi mới”.
Sự nghiệp của ông Bhattacharya đi đến bước ngoặt vào tháng 10-2020. Ngay giữa tâm điểm đại dịch COVID-19, ông cùng hai nhà khoa học uy tín khác đã ra Tuyên bố Great Barrington.
Tuyên bố này kêu gọi chính phủ nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, cho phép người khỏe mạnh đi làm trở lại để duy trì nền kinh tế và nhanh chóng hình thành miễn dịch cộng đồng.
Những người dễ bị tổn thương hơn như người cao tuổi sẽ được cách ly và nhận sự chăm sóc đặc biệt để ngăn nhiễm bệnh.
Tuyên bố trên nhanh chóng bị một bộ phận không nhỏ cộng đồng y học xứ sở cờ hoa phản đối kịch liệt, dẫn đầu là giám đốc NIH khi ấy Francis Collins và giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci.
Tên tuổi của ông Bhattacharya gần như bị tẩy chay trong giới khoa học. Thậm chí, ông còn cho rằng những quan điểm của mình bị chính quyền ông Joe Biden và truyền thông kiểm duyệt, gạch bỏ.
Ở chiều ngược lại, Tuyên bố Great Barrington và quan điểm của ông Bhattacharya lại được ông Trump đánh giá cao. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Trump đã cân nhắc trao cho ông Bhattacharya ghế giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nếu thắng cử.
Sau khi rộ tin đồn sắp được chọn là giám đốc NIH, ông Bhattacharya khẳng định sẽ cải tổ bộ máy cơ quan này theo hướng phi tập trung hóa từ “một nhóm nhỏ những quan chức khoa học”. Ông cho rằng nhóm này đang kìm hãm sự sáng tạo trong nghiên cứu, thậm chí kiểm duyệt những đóng góp của chính ông.