Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2, Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) được đánh giá mang lại nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Giảm thủ tục, thuận lợi cho người dân
Bộ Y tế đưa ra đề xuất đối với một số trường hợp đặc biệt, trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao… có thể đến thẳng cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế mà vẫn được hưởng BHYT 100% trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.
Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo (theo danh mục bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,….) sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.
Thực tế thời gian qua do thủ tục giấy tờ rườm rà, nhiều người bệnh gặp khó khăn khi xin giấy chuyển viện. Thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nam (65 tuổi, quê Hà Nam) cho hay 4 năm trước ông phát hiện mắc ung thư trực tràng và phẫu thuật tại Bệnh viện K. Sau mổ, ông thường phải tái khám, mỗi lần như vậy lại phải xin giấy chuyển tuyến từ nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Ông Nam nói việc xin giấy chuyển tuyến đôi khi phải mất nửa ngày đến một ngày. Mỗi lần định đi tái khám đều phải mất 2 ngày, một ngày làm giấy chuyển tuyến và một ngày khám. “Có lần tôi quá nản, người mệt mỏi nên đành khám dịch vụ cho nhanh, đỡ mất thời gian chờ đợi”, ông Nam chia sẻ.
Khi được biết Bộ Y tế đề xuất người bệnh hiểm nghèo được đến thẳng cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà vẫn được hưởng tối đa chi phí BHYT, ông Nam bày tỏ vui mừng. “Hy vọng đề xuất này được thông qua, như vậy người bệnh sẽ bớt phải đi lại, làm những thủ tục không cần thiết”, ông Nam bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Huy Thắng – chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM – cho biết những năm gần đây tỉ lệ người bệnh đột qụy đang có xu hướng tăng dần, dễ thấy nhất là tại nhiều bệnh viện, khoa đột quỵ tiếp nhận số lượng người bệnh lớn hàng năm.
Đề xuất của Bộ Y tế với 42 bệnh hiểm nghèo, trong đó có đột quỵ, sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng là điều đáng mừng, giảm được gánh nặng cho người bệnh.
Tăng quyền lợi của người tham gia BHYT
Trao đổi với Tuổi Trẻ khi xây dựng dự thảo, bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), thừa nhận hiện nay thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
“Ví dụ trong một số trường hợp đặc biệt như người bệnh mắc bệnh nan y về máu, chắc chắn tuyến xã và huyện không thể điều trị. Nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất đối với những trường hợp đặc biệt, trường hợp người mắc bệnh hiểm nghèo… người bệnh có thể đến thẳng cơ sở y tế có chuyên môn để được khám chữa bệnh mà không cần chuyển tuyến.
Quy định này giúp tiết kiệm chi cho quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở tuyến dưới và khám lại ở tuyến trên, từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp”, bà Trang nêu rõ.
Về đề xuất tỉ lệ hưởng 100% BHYTvới một số trường hợp cụ thể, đại diện Vụ BHYT cho hay nghĩa là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Điều này không đồng nghĩa với việc BHYT chi trả 100% chi phí khám, điều trị bệnh.
Theo đó, chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành theo tỉ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.
Bà Trang cho biết thêm trường hợp tỉ lệ hưởng BHYT 100% theo phạm vi được hưởng cho người bệnh “vượt tuyến” chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt, một số loại bệnh chứ không phải tất cả. Tránh tình trạng người dân ồ ạt lên tuyến chuyên môn cao để điều trị các loại bệnh thông thường, gây tình trạng quá tải.
Đề xuất tuyến dưới được sử dụng thuốc như tuyến trên
Bên cạnh đó, tại dự thảo này, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định người bệnh mắc các bệnh mạn tính khi chuyển về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu quản lý sẽ được cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng ở cấp chuyên môn cao hơn.
Đồng thời được quỹ BHYT thanh toán theo tỉ lệ 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT.
Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, đa phần các thuốc điều trị chuyên khoa hiện nay ở tuyến dưới cơ bản tương tự như thuốc tại tuyến trên, trừ vài trường hợp đặc biệt. Với đề xuất người bệnh đã được điều trị ổn định khi được điều chuyển về cơ sở khám chữa bệnh ban đầu sẽ được cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng ở cấp chuyên môn cao hơn sẽ khiến người bệnh an tâm hơn, giảm thời gian và chi phí đi lại.
GS Nguyễn Đức Công cũng cho rằng với hội chứng động mạch vành mạn được điều trị ổn định nhưng vẫn phải điều trị tích cực. Vì vậy, nếu về tuyến dưới được cấp phát thuốc chuyên khoa tương tự như tuyến trên thì rất tốt, có lợi cho bệnh nhân, tránh những đợt suy tim cấp nguy hiểm đến tính mạng nguời bệnh. Nhất là với những bệnh nhân ở tỉnh lẻ sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại, kéo dài thời gian đi lên tuyến trên thường xuyên.
Đề xuất thanh toán BHYT khi khám ở phòng khám đa khoa ngoại tỉnh
Trong dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng tỉ lệ thanh toán đối với trung tâm y tế huyện không có giường bệnh nội trú, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh, cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ điều trị ngoại trú được xếp vào cấp ban đầu.
Điều chỉnh tăng tỉ lệ thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ 0% lên 100% đối với người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ngoại tỉnh (trước đây chỉ ở bệnh viện huyện toàn quốc và đăng ký ban đầu nội tỉnh mới được hưởng 100%).
Cần có tính toán kỹ, tránh quá tải tuyến cuối
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội cho rằng đề xuất này mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT, đặc biệt đối với những người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh hiếm. Bệnh nhân sẽ có cơ hội điều trị sớm và được điều trị với các chuyên gia đầu ngành.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng việc thực hiện cần được tính toán kỹ, quy định mức độ bệnh và loại bệnh, nếu không sẽ khiến quá tải tuyến cuối. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của những bệnh nhân thực sự có tình trạng nặng.
Ông cũng cho rằng giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân là phải nâng cao nâng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở.
Còn GS Nguyễn Đức Công – phó chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM – cho rằng với những bệnh tuyến trước chắn chắn không điều trị được thì nên đơn giản thủ tục hành chính để người bệnh không phải đi lại nhiều lần để xin giấy chuyển viện.
Cụ thể, ông đề xuất có thể cấp giấy chuyển viện bằng hình thức online. “Những kỹ thuật nào tuyến trước không làm được thì người bệnh được quyền xin giấy chuyển tuyến lên tuyến trên bằng giấy chuyển tuyến điện tử, giảm bớt phiền hà cho người dân”, GS Công nhấn mạnh.