Hơn 370 người ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu, trong đó có một người chết, một lần nữa gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Pate, chả lụa, thịt nguội… trôi nổi, không kiểm dịch?
Bạn đọc Nguyên Song Giang có ý kiến: “Một cơ sở bán hàng trăm phần ăn mỗi ngày, gây ngộ độc khiến hàng trăm người vào viện, trong đó có một ca tử vong.
Cơ sở bánh mì hoạt động lâu ngày nhưng chưa xuất trình được các loại giấy tờ cần thiết, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm đầu vào.
Cơ quan, tổ chức an toàn vệ sinh thực phẩm ở đâu? Có kiểm tra thường xuyên không?”.
Trong khi đó bạn đọc Năm An Nhứt cho rằng: “Bao nhiêu vụ ngộ độc từ bánh mì, không chỉ các xe bán trên đường phố mà cả những tiệm bán bánh mì có thương hiệu lâu năm cũng xảy ra.
Xử lý chỉ là kiểm tra giấy tờ kinh doanh, xử phạt hành chính, đóng cửa vài tháng…
Nên biết rằng khi kinh doanh, để cho thương hiệu được nhiều người quan tâm phải mất thời gian rất dài. Thế nhưng khi xảy ra ngộ độc thì xem như mất tất cả trong phút chốc!
Bán bánh mì không thì không có gì để bàn. Nhưng khi cho vào nhân: chả lụa, nem, thịt nguội…đến các loại ra củ thì rất dễ gây ngộ độc cho người dùng.
Mối liên kết giữa người bán và người cung cấp nguyên liệu nhân bánh khá lỏng lẻo, không có hóa đơn, chứng từ gì để chứng minh khi vụ việc xảy ra”.
Đồng tình, bạn đọc Lan Le có ý kiến: “Bánh mì không không thể gây ngộ độc. Nguyên nhân do các thành phần như pate, chả, thịt và rau củ trong bánh mì, bởi nguyên liệu trôi nổi không được kiểm dịch?
Trong khi một số người bán lại không có lương tâm bởi “một vốn 4 lời”! Nếu chỉ bánh mì với trứng thì có lẽ sẽ không bao giờ bị ngộ độc. Riêng cà rốt bào sợi, nếu không được rửa sạch bằng nước muối, cũng có thể gây ngộ độc nếu để qua đêm”.
Theo bạn đọc Năm Xuân: “Nói cho chính xác là hãy xác minh tính an toàn thực phẩm của những cái “nhân” kèm bên trong ổ bánh mì (chả, thịt, bơ, rau củ… ) khi chủ quầy/tiệm bán cho khách”.
Trông chờ đạo đức người buôn bán
“Tại sao bánh mì kẹp thịt lại dễ ngộ độc hơn nhóm thực phẩm khác? Các chuyên gia y tế cần phân tích đánh giá nguyên nhân, từ đó có khuyến cáo cho người bán, người mua biết mà phòng tránh” – bạn đọc Hai Le có ý kiến.
Tài khoản SG cho rằng: “Ngoài ngộ độc từ thực phẩm, tôi thấy còn do tay người chế biến không vệ sinh nữa.
Nhiều người không sử dụng dụng cụ gắp mà tay cứ bốc thịt chả cho vào bánh, sau đó thối tiền cho người mua, người mua thì vô tư cứ ném tiền lên thớt, cứ vậy mà đưa vi khuẩn vào bao tử người dùng.
Tôi không dám mua ở những nơi bán như vậy, lỡ mua 1 lần thì trả tiền bỏ bánh chứ cũng không dám ăn.
Bỏ một ổ bánh mì 25.000 đồng ít hơn bỏ 2,5 triệu tiền thuốc thang trị bệnh.
Lựa chọn thiệt hại ít nhất để bảo vệ mình thôi chứ trông chờ cơ quan an toàn thực phẩm thì lâu lắm. Mong người bán có tâm có đạo đức kinh doanh, bán cho người ăn cũng như làm mình ăn vậy, chú ý vệ sinh cẩn thận”.
Theo một bạn đọc, gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn, không lẽ cuộc sống hiện đại hơn mà vệ sinh an toàn thực phẩm lại kém đi?
Từ đó bạn đọc này đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm nên xây dựng sổ tay hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao kiến thức, nhận thức của người bán.
Đồng thời hướng dẫn cách chế biến và bảo quản thực phẩm, cách bố trí bếp nấu và trang bị thiết bị công cụ dụng cụ đảm bảo vệ sinh…
Tổ chức kiểm tra thường kỳ, đột xuất các cơ sở chế biến thực phẩm, nhà hàng, quán ăn trên các địa bàn.