Trên con đường làng dẫn vào thôn Xà Cầu (giờ được người dân gọi là “thủ phủ phế liệu”), không khó để bắt gặp những chiếc xe máy kéo theo những bao hàng phế liệu nặng trịch, cồng kềnh. Những bao hàng này chỉ có dây nịt thô sơ cố định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
“Núi” phế liệu, xưởng phân loại thô sơ
Ở thôn Xà Cầu, mỗi hộ dân làm tái chế nhà nào cũng có những “núi” phế liệu chất cao thành đống ở sân nhà, thậm chí phế liệu còn vương vãi khắp nơi, chỉ chừa một lối đi nhỏ đủ để ngồi làm việc và đi lại.
Các nhà xưởng phân loại phế liệu ở Xà Cầu thường có quy mô nhỏ và thô sơ. Xưởng thường được lợp bằng mái tôn, làm cho mùa hè vốn đã nóng nực lại càng ngột ngạt hơn. Phía trong nhà xưởng tối, bí bách. Thứ ánh sáng duy nhất là những chiếc bóng đèn nhỏ chiếu sáng cả một không gian.
Đi qua các nhà xưởng, tiếng ồn và mùi khét xộc lên từ việc xay nhựa. Những bao bì nhãn mác của các loại phế liệu nằm ngổn ngang trên máy, trên sàn.
Trong nhà xưởng, hai chiếc quạt công nghiệp hoạt động hết công suất nhưng không ngăn được những giọt mồ hôi bám trên khuôn mặt của những người lao động.
Ngồi giữa bãi phế liệu ngổn ngang, chồng chất, bà Nguyễn Thị Sơn đang phân loại phế liệu cùng con dâu và cháu trai. “Nghề này thực sự độc hại vì phế liệu đến từ nhiều nguồn. Nhưng vì mưu sinh, tôi và cả gia đình vẫn phải bám trụ. Không làm nghề này thì cũng chẳng biết xoay xở ra sao” – bà chia sẻ.
Việc phân loại rác thải ở Hà Nội vẫn chưa thực sự phổ biến, người dân vẫn giữ thói quen bỏ chung các loại rác vào một túi nên việc tái chế mất nhiều thời gian xử lý.
“Mỗi ngày, các xe chở phế liệu từ nội thành Hà Nội đến thôn chúng tôi cũng phải vài chục tấn. Nếu không có thôn tái chế như Xà Cầu thì việc phân loại nhựa phế thải này gặp khá nhiều khó khăn” – bà Sơn cho hay.
“Nhà tôi phân ra tầm hai chục loại để bán cho các nhà xay. Họ mua loại nào thì mình chia ra để họ xay nhỏ bán cho các bên tái chế nhựa ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương” – bà nói thêm.
Cả thôn tham gia phân loại, xử lý phế liệu
Để chiếc nón cũ sạm màu lên bao tải phế liệu, cởi bỏ khẩu trang và chiếc khăn thấm đẫm mồ hôi, bà Sơn ngồi xuống nghỉ ngơi: “Kinh tế giờ nhà tôi làm chỉ đủ ăn, ngày xưa thì dư dả hơn. Thời COVID-19 suy thoái kinh tế kéo theo các mặt hàng hạ giá.
Năm ngoái, dăm ba ngày giá lại giảm, mọi người lỗ nhiều. Năm nay giá bình ổn hơn chút, không bị lỗ là tôi vui rồi. Mình đã phóng lao thì phải theo lao, đã chọn nghề này thì theo đến cùng thôi” – bà nở một nụ cười man mác buồn và chia sẻ.
Cách nhà bà Sơn không xa, gia đình bà Hương cũng gắn bó với công việc phân loại phế liệu gần 12 năm. Đeo chiếc găng ni lông, bà Sơn thoăn thoắt cạo đi lớp bao bì nhãn mác trên các chai nhựa, bà cho biết công việc này mỗi ngày kiếm được tầm 200.000 đồng, dù thu nhập cũng chỉ bằng đi làm thuê bên ngoài, nhưng được sự chủ động về thời gian.
“Tôi cũng không biết việc này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không. Ở đây cả thôn làm thì cứ làm thôi, mà có khi ảnh hưởng thì bản thân tôi cũng không biết” – bà Sơn chia sẻ thêm về công việc mưu sinh vất vả này.
Chọn chỗ sáng nhất trong sân nhà để làm việc, ông Vương Công Giải, 71 tuổi, đang bóc tách từng sợi dây đèn LED. Ông giãi bày: “Tôi cũng già yếu rồi nên ngồi tách và phân loại các dây đèn LED thôi, còn những người trẻ khỏe đi cân nhựa, nhặt, phân loại và làm máy”.
Dù tuổi cao, ông Giải làm việc rất nhanh nhẹn. Từng sợi dây LED đều được ông bóc tách phân loại gọn gàng. “Ở thôn có nghề thì tôi làm thêm. Tôi làm cũng 20 năm rồi, dù có lương hưu nhưng vật giá leo cao, tôi phải làm thêm để dành cho các khoản như lễ, Tết, tiền điện, nước” – ông Giải nói.
Phân loại và sơ chế phế liệu là công việc vừa độc hại, vất vả lại vừa ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng vì hai chữ “mưu sinh”, nhiều người dân tại thôn Xà Cầu vẫn bám trụ công việc này để có tiền chăm lo cho bản thân và gia đình.