Sáu năm trước, câu chuyện về “thiên thần Hải An hiến giác mạc” sau khi qua đời đã chạm đến trái tim của nhiều người. Khi ấy, cô bé 7 tuổi đã để lại di nguyện “con muốn hiến tạng, hiến giác mạc”, và cuối cùng cô bé đã mang lại ánh sáng cho hai người khác.
Thực hiện di nguyện hiến giác mạc của con
Nhớ lại 6 năm trước, chị Dương nói tại thời điểm Hải An hiến giác mạc, mọi thứ đều không dễ dàng. Hải An là cháu gái đầu tiên của dòng họ. Mọi người thân đều yêu quý con, yêu đến mức chỉ một tổn thương nhỏ thì khiến cả nhà lo lắng.
“Khi Hải An mất, nỗi đau đó là quá lớn với tất cả những người thân trong gia đình. Nhưng tôi nói với mọi người trong gia đình rằng Hải An muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời, con muốn được nối dài sự sống trên cơ thể của người khác. Con muốn được hiến tạng, hiến giác mạc. Đó là di nguyện của bé An khi còn sống”, giọng chị Dương nghẹn lại.
Thời điểm ấy, nhiều người ngoài không hiểu cũng phản đối. Họ không tin một đứa bé 7 tuổi lại có di nguyện “kỳ lạ” đến vậy. Họ nói trẻ con thì biết gì. Tại sao một cô bé 7 tuổi lại muốn hiến mô tạng cứu người, trong khi đôi khi những người trưởng thành còn chưa hiểu hết đó là gì.
Nói về câu chuyện ấy, chị Dương chia sẻ từ khi Hải An 2 – 3 tuổi, con đã từng được theo mẹ đi học ở trường đại học y.
“Một lần Hải An thấy một bệnh nhân lắp cầu thận ở tay để chạy thận. Hải An thắc mắc thì tôi giải thích rằng họ đang chờ một quả thận đấy con ạ. Con bắt đầu biết về việc cho tặng hiến mô tạng như thế”, chị Dương hồi tưởng.
Hải An ra đi nhưng đã để lại món quà vô giá mang nhiều ý nghĩa nhân đạo. “Một đôi mắt nhắm lại đã đem đến ánh sáng cho hai người mù” – chị Dương nhận ra Hải An đã cho đi không chỉ là đôi mắt mà đó còn là cả những hy vọng, những cơ hội về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Sau thời gian ấy, chị Dương cũng phải mất một thời gian để trở lại với cuộc sống. Học ngành y, chị có nguyện vọng trở thành nhân viên y tế của trường mầm non. Ngày ngày bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ, chị Dương cũng tham gia các hội, câu lạc bộ vận động hiến mô, tạng cứu người.
Chị nói hễ ai cần tư vấn đăng ký hiến mô tạng hay cần vận động người thân để đồng ý cho hiến mô tạng sau khi qua đời, chị đều có mặt. Chị hy vọng với kiến thức y học của mình có thể giải thích cho mọi người hiểu hơn về hiến mô tạng để có thêm nhiều người được cứu sống.
Tuy nhiên, công việc “bán thời gian” vận động hiến giác mạc, mô tạng dường như chưa khiến chị cảm thấy mình đủ nỗ lực.
Chị tâm sự: “Mỗi lần nghĩ đến con, nghĩ đến việc làm cao cả của con, tôi lại thấy mình thật kém cỏi. Chính Hải An lại là động lực giúp tôi bước tiếp trên chặng đường còn lại của mình với công việc là một chuyên viên truyền thông của Ngân hàng Mắt, Chi hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam” – chị Dương quả quyết.
Phá bỏ những rào cản
Hiến mô tạng là nghĩa cử cao đẹp, đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng định kiến của hiến mô tạng, giác mạc tại Việt Nam vẫn là rào cản khiến số người hiến mô tạng sau khi chết, chết não còn rất thấp. Trong khi vận động, chị Dương cũng gặp nhiều trường hợp dù người muốn cho đã đồng ý hiến mô, tạng trước đó nhưng khi qua đời người thân lại không đồng ý.
“Lúc đó, lòng tôi nặng trĩu, tôi nghĩ đến cơ hội của những bệnh nhân đang chờ ghép. Làm sao để phá bỏ được những rào cản, định kiến về việc hiến mô tạng. Tôi tin rằng hầu như chúng ta đều có tấm lòng nhân ái.
Tôi cũng tin rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời và chúng ta có thể làm cho nó có ý nghĩa và trọn vẹn bằng cách mang lại hạnh phúc cho người khác và xoa dịu nỗi đau của người ở lại. Và tôi muốn nói rằng: Mỗi bộ phận trên cơ thể chúng ta đều có ích dù sống hay chết” – chị Dương nhắn nhủ.
Đồng hành với chị Dương từ 6 năm trước, ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ chị Dương là người phụ nữ rất dũng cảm, chị đã vượt qua được nỗi đau mất mát của bản thân để lan tỏa câu chuyện thật đẹp đến với cộng đồng.
Ông Phúc nói: “Khi chúng tôi nói chuyện, tôi vẫn hỏi Dương “Động lực nào giúp em làm được những điều như vậy?”, Dương nói với tôi đó là vì tình yêu to lớn của người mẹ.
Vì yêu thương con nên chị muốn con được “sống”, muốn ánh mắt của con vẫn dõi nhìn được thế giới.
Cho đến giờ phút này, khi hoạt động vận động hiến mô tạng đang ngày càng phát triển thì chị Dương vẫn lặng lẽ chia sẻ những câu chuyện nhân văn về hiến mô tạng, chia sẻ nhiều người tiếp cận đăng ký hiến mô tạng.
Và gần đây nhất chị đã tham gia vào Ngân hàng giác mạc của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 và cũng là thành viên của Chi hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam”, ông Phúc chia sẻ.
Những cuộc đời hồi sinh
Trong 6 tháng đầu năm, đã có 11 ca chết não hiến tạng. Tất cả đều từ mạng lưới 24 bệnh viện hiến khu vực miền Bắc. Đó là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những y bác sĩ, chuyên viên vận động hiến mô tạng và trung tâm điều phối. 11 người nằm xuống đã nối dài sự sống cho gần 100 người khác.
Là một trong những người may mắn nhận được tạng hiến tặng đêm giao thừa Giáp Thìn, cô gái P.A.T. (21 tuổi, quê Bắc Kạn) giờ đây đang ngày ngày hít thở bằng phổi được hiến tặng từ chàng trai lạ. Phép màu mà mọi người nói đến tưởng chừng xa xôi nhưng thực sự đã đến với T..
Giờ đây, khi T. đã khỏe mạnh, có thể hát những khúc hát mình yêu thích, T. luôn thầm biết ơn người đã hiến tạng cho mình để T. được “viết tiếp” cuộc đời mình.