Mua, bán thuốc online có khả thi?

Phiên thảo luận với chủ đề Áp dụng chuyển đổi số vào ngành dược – Ảnh: NAM TRẦN

Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước – Giải pháp từ chuyển đổi số diễn ra vào sáng nay 19-10 tại Hà Nội.

Chuyển đổi số ngành dược là xu thế tất yếu

Trong phiên thảo luận về áp dụng chuyển đổi số vào ngành dược, nhà báo Võ Hùng Thuật, báo Tuổi Trẻ chia sẻ việc chuyển đổi số vào ngành dược đang là xu thế chung trên toàn thế giới. Đặc biệt, đây là vấn đề cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều rất quan tâm.

Đồng tình với nhà báo Hùng Thuật, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, phó chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, nguyên cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh cũng đang ngày càng phát triển.

Có thể thấy rõ trong 10 năm gần đây hệ thống khám, chữa bệnh của Việt Nam đã thay đổi cơ bản về bộ mặt, hệ thống quản trị, quản lý. Hiện nay đã có một bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hết sức quyết liệt.

Khi bước chân vào 1.400 bệnh, gần 400 bệnh viện tư nhân đều thấy có thay đổi mạnh mẽ, trong đó, có các bảng điện tử thông tin rõ ràng các nội dung. Bên cạnh đó, từ cách đây 5 năm, Bộ Y tế đã tổ hội nghị chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh và thực hiện quyết liệt việc xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.

Cũng theo ông Khuê, hệ thống bệnh viện Việt Nam có thể xem là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số khi đưa nhiều thiết bị máy móc hiện đại chụp chiếu và quản lý kê đơn thuốc…

Về việc quản lý bán thuốc online hay bán thuốc trực tiếp, ông Khuê cho rằng nguyên tắc số một cần đảm bảo an toàn cho người bệnh và hợp lý cũng như hiệu quả. Đồng thời, phải có sự quản lý, đảm bảo hướng dẫn cho người bệnh sử dụng an toàn, hiệu quả đúng liều, đúng cách dùng…

Trao đổi tại hội thảo, ông Vũ Thái Hà, giám đốc vận hành aDortor, cho rằng năng lực của công nghệ cho phép ta có thêm một công nghệ mới trong việc khám chữa bệnh, ở đây là khám chữa bệnh từ xa. Với công nghệ thông tin, với website, ứng dụng, hình thức này hiệu quả hơn nhiều, đảm bảo độ chặt chẽ về mặt thông tin hơn nhiều.

Ông Hà cho rằng công nghệ thông tin giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất kết nối thông tin liên lạc giữa bác sĩ, người bệnh, thậm chí gia đình nhà bệnh nhân liền mạch. Hai là toàn bộ hồ sơ trao đổi giữa các bên được lập ra một cách minh bạch, có thể quản lý toa thuốc, thậm chí ở từng hạng mục thuốc, nhắc nhở người bệnh lịch uống thuốc..

“Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, người quyết đinh ra đơn lại là bác sĩ. Để vận hành mô hình đó thuận tiện, liền mạch, thì các thành tố từ bác sĩ, người bệnh tới hệ thống bán thuốc phải thống nhất thông tin, nếu không rất nguy hiểm”, ông Hà nói.

Bán thuốc online có khả thi?

Thảo luận về bán thuốc trên sàn thương mại điện tử, nhà báo Hùng Thuật dẫn kết quả thăm dò ý kiến của bạn đọc báo Tuổi Trẻ trong 3 ngày gần đây.

Với câu hỏi bạn có chấp thuận mua và giao dược phẩm online không?, kết quả cho thấy có 85,2% đồng ý mua online, 2,1% không đồng ý, còn lại là chọn phương thức khác.

Mua, bán thuốc online có khả thi? - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Hà, trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương – Ảnh: NAM TRẦN

Bà Lê Thị Hà – trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương – chia sẻ, là đơn vị trực tiếp cấp phép cho các website, nền tảng số, có thể thấy hiện sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất phổ biến với người dân. Chúng ta mua sắm mọi thứ trên mạng.

Hiện Bộ Công thương triển khai quản lý trực tiếp nội dung này thông qua Nghị định số 52, Nghị định 85 sửa đổi. Để “điều chỉnh” cho phù hợp với tình hình thực tế, toàn bộ các chính sách liên quan dược, thuốc đã được chúng tôi điều chỉnh như trên môi trường truyền thống.

Tuy nhiên khi sản phẩm dược, thuốc được đưa lên sàn TMĐT, được chia làm hai loại để quản lý.

Một, nếu đi theo Luật Giao dịch điện tử, những sản phẩm này sẽ nằm trong nền tảng số hoặc nền tảng số trung gian. Vì thuốc là một dạng hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng con người nên phải hướng đến việc quản lý thật chặt.

“Với từng web, chúng tôi rà soát rất kĩ nhưng cũng chỉ có thể rà ở thời điểm đó thôi. Sau khi được cấp phép, họ trà trộn như thế nào thì không kiểm soát được. Phải thực hiện hậu kiểm”, bà nói.

Hiện nền tảng online của cục đã phê duyệt 52.000 web TMĐT bán hàng nói chung, nhưng có khoảng 900 các loại web/công ty có chữ cái bắt đầu bằng “thuốc” hoặc “pharma”. Chúng tôi yêu cầu toàn bộ các nền tảng này phải cung cấp đủ thông tin hàng hóa trên nhãn/bao bì sản phẩm.

Hai là toàn bộ những sản phẩm được bán trên sàn (trực tiếp hoặc qua trung gian), chủ sàn phải nắm được quy chế, đưa ra những quy chế để quản lý trên sàn. Luật Dược 2016 không có quy định cụ thể nào bán dược trên không gian mạng. Thời điểm đó, cục vẫn áp dụng kinh doanh TMĐT như với môi trường kinh doanh truyền thống.

“Song đây mới chỉ là tiền kiểm, hậu kiểm rất khó”, bà Hà giải thích “nếu muốn quản lý chặt các hoạt động bán hàng trên mạng, bản chất chúng ta phải nằm được các dữ liệu trên mạng. Nếu không đi sâu được vào các loại hình tên thuốc được bán trên sàn, nền tảng bán lẻ, thật khó”,

Theo bà Hà để quản lý online thì dữ liệu cũng phải online, quản lí cũng phải quản lý online”, “công nghệ cho phép làm mọi thứ, vấn đề “đặt đầu bài” tới đâu, chúng ta sẽ có các để làm tới đó”, bà Hà nói.

Mua, bán thuốc online có khả thi? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc chuỗi nhà thuốc Phương Chính – Ảnh: NAM TRẦN

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO nhà thuốc Phương Chính – cho rằng chuyển đổi số hiện nay là “sống còn” đối với các nhà thuốc tư nhân. Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp đã có những chuyển mình rất lớn trong việc chuyển đổi số.

“Tôi nhớ năm 2019, Bộ Y tế ra mắt ngân hàng dữ liệu về thuốc, tại thời điểm ấy dữ liệu này đã giúp ích cho các doanh nghiệp rất nhiều. Từ dữ liệu này các doanh nghiệp có thể tra cứu các loại thuốc nào đảm bảo tiêu chuẩn, các loại thuốc có mặt trên thị trường,… Chuyển đổi số có ý nghĩa rất lớn”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, những năm gần đây việc kê đơn thuốc điện tử cũng đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Nếu trước kia, khi bệnh nhân đến với đơn thuốc viết tay, thậm chí dược sĩ khó có thể dịch được, giờ đây, dưới mỗi mã đơn thuốc còn có mã QR code để tra cứu đơn thuốc.

Ông Dũng đề xuất nếu có thể liên thông dữ liệu từ nhà thuốc, bệnh viện và dữ liệu đơn thuốc quốc gia để đảm bảo người bệnh được mua thuốc đúng nơi, đúng đơn.

Ông cũng nói thêm thương mại điện tử cũng là xu thế tất yếu, đặc biệt sau COVID-19 nhu cầu mua thuốc online rất phổ biến. Nhu cầu thực tế của người dân là có, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về bán thuốc online.

“Chúng tôi mong rằng sẽ có quy định cụ thể triển khai để các nhà thuốc có thể thực hiện đúng quy định, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân”, ông Dũng nói.

Hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước – Giải pháp từ chuyển đổi số” có sự tham dự của 80 đại biểu đến từ Ủy ban xã hội của Quốc hội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc và người tiêu dùng.

Đặc biệt, hội thảo trình bày nhiều nội dung cùng các tham luận xoay quanh chủ đề về sửa đổi bổ sung Luật Dược, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, bình ổn giá thuốc, bán thuốc trên nền tảng trực tuyến…

Tại hội thảo, các tổ chức, cá nhân có những đóng góp, nhìn nhận từ thực tiễn trong việc thực hiện kê khai giá thuốc, quản lý giá thuốc thống nhất và minh bạch, duy trì bình ổn giá, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị và nâng cao khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Hướng đến mục tiêu kết nối bác sĩ – nhà thuốc – bệnh viện, để thuận tiện trong việc kiểm soát mua bán thuốc cho người dân.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *