Các kiểu đổ mồ hôi cảnh báo bệnh nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội cho biết, đổ mồ hôi là một phản xạ tự nhiên bình thường của cơ thể.
Khi thân nhiệt tăng cao như thời tiết nắng nóng, hoạt động thể thao trong thời gian dài, sốt do viêm nhiễm… mồ hôi làm nhiệm vụ cân bằng nhiệt độ, mát cơ thể và loại bỏ các độc tố.
Có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây tăng tiết mồ hôi như giai đoạn mãn kinh ở nữ, rối loạn lo âu, béo phì, cường giáp, nhiễm trùng, bệnh Parkinson, tác dụng phụ một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, hay người bệnh lạm dụng chất kích thích…
Tuy nhiên, ra mồ hôi bất thường là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn cần phải cảnh giác gồm:
– Đổ mồ hôi tay khó kiểm soát: Nếu lòng bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt do mồ hôi, có thể là do chứng tăng tiết mồ hôi ở tay.
– Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm: Đổ mồ hôi vào mỗi đêm một cách bất thường rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Phổ biến nhất là ung thư hạch, ung thư xương, ung thư máu…
Đặc điểm là ban ngày có thể không hoặc đổ ít mồ hôi nhưng cứ ban đêm lại đổ nhiều mồ hôi, ngay cả khi môi trường ngủ mát mẻ.
– Đổ mồ hôi nửa người: Đừng chủ quan nếu cô bác anh chị bị đổ mồ hôi bất thường chỉ ở nửa bên phải hoặc bên trái cơ thể.
Đó rất có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, nhất là với những người cao huyết áp hoặc mỡ máu cao. Tốt nhất là nên đến ngay khoa thần kinh của bệnh viện để được kiểm tra kịp thời, không được chậm trễ.
– Đổ mồ hôi rất nhiều ở lưng: Nếu bị đổ mồ hôi lưng ngay cả khi mát mẻ, ngồi một chỗ hay nằm ngủ dù ban đêm hay ban ngày thì nên đi khám. Nhất là khi các bộ phận khác không gặp tình trạng tương tự.
Đây có thể là do mất cân bằng hormone, làm rối loạn chức năng vùng dưới đồi dẫn đến gia tăng thân nhiệt. Tình trạng này thường gặp trong một số bệnh nội tiết như cường giáp (dư thừa hormone tuyến giáp), tiểu đường (thiếu hụt insulin), hạ đường huyết…
– Đổ mồ hôi lạnh: Đổ mồ hôi lạnh là tình trạng cơ thể đột nhiên vã mồ hôi nhiều kèm theo cảm giác ớn lạnh, da lạnh, ẩm và dính, vị trí thường gặp nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim – biến chứng đe dọa tính mạng do tắc nghẽn mạch vành nuôi tim. Nếu đi kèm đổ mồ lạnh và sợ lạnh, chóng mặt, đói, hồi hộp thì cũng có thể là do vấn đề liên quan tới lượng đường trong máu.
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong y học cổ truyền tình trạng rối loạn bài tiết mồ hôi được gọi là hãn chứng, bao gồm: Tự nhiên hay vã mồ hôi gọi là tự hãn chứng; Ra mồ hôi quá nhiều gọi là đa hãn chứng; Không có mồ hôi gọi là vô hãn chứng; Mồ hôi nặng mùi gọi là xũ hãn chứng;
Ra mồ nhiều ở các vùng khác nhau như: đầu, tay, chân, một nửa người được gọi là đầu hãn chứng, thủ túc đa hãn chứng, bán thân đa hãn chứng… Thường gặp hơn là tự hãn chứng (hay vã mồ hôi) và đạo hãn chứng (ra mồ hôi trộm).
Theo quan niệm của cổ nhân, tự hãn phần lớn là do cơ thể suy nhược, sau khi bị bệnh nặng hoặc lâu ngày, phụ nữ sau sinh đẻ dẫn đến tình trạng dương khí suy kém, phế khí bất cố khiến cho mồ hôi dễ ra hoặc ra rất nhiều.
Đạo hãn là do lao lực quá độ, dịch thể hao tổn nhiều dẫn đến phần âm suy kém, hư nhiệt phát sinh, khiến bệnh nhân ra mồ hôi khi ngủ, gọi là mồ hôi trộm.
Thực phẩm kết hợp thuốc cách trị bệnh độc đáo
ThS Toàn cho biết y học cổ truyền căn cứ vào tính chất, mức độ của tình trạng rối loạn bài tiết mồ hôi để chọn vị thuốc, bài thuốc, các huyệt vị châm cứu hoặc chế biến các món ăn – bài thuốc để trị bệnh và nâng cao sức khỏe.
– Nước sắc mã thầy: Mã thầy 10 –-15 củ, cà rốt 200g, hai thứ thái miếng sắc lấy nước uống hoặc dùng xích tiểu đậu 60g, bí đao 500 nấu canh ăn hằng ngày, để chữa chứng mồ hôi có màu vàng.
– Thịt hầm đông trùng hạ thảo: Đông trùng hạ thảo 5g hầm với 100g thịt lợn nạc hoặc thịt gà để chữa chứng hay vã mồ hôi và ra mồ hôi trộm do cơ thể quá suy nhược.
– Canh bí đao, ý dĩ: Bí đao 500g gọt vỏ, thái miếng, y dĩ 50g, nấu ăn thay canh; Hoặc quả trám 100g, củ cải tươi 500g, sắc nước uống thay trà; Cũng có thể dùng bí đao tươi (để cả vỏ) 750g thái miếng, lá sen tươi 1 tàu, sắc lấy nước uống thay trà. Các món này thường được dùng để chữa chứng mồ hôi nặng mùi (xú hãn).
– Não lợn hầm củ mài: Củ mài 30-60 g, kỷ tử 15-30 g, não lợn 1 bộ, tất cả đem hầm chín rồi ăn để trị chứng hay vã mồ hôi và ra mồ hôi trộm.
– Ngũ cốc gạo nếp, tiểu mạch: Lấy gạo nếp và tiểu mạch lượng bằng nhau đem sao thơm, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-15g. Hoặc có thể dùng rễ cây lúa nếp 30-60 g phối hợp với đại táo 5-10 quả, sắc uống. Món này có tác dụng bổ trung ích khí, thích hợp với các chứng đạo hãn và tự hãn.
– Nước sắc đậu đen: Vỏ đậu đen 15g, tiểu mạch 20g (hoặc đậu đen, tiểu mạch, hoàng kỳ mỗi thứ 30g), sắc uống hằng ngày để trị ra mồ hôi trộm, hay vã mồ hôi hoặc ra mồ hôi nhiều sau khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng có sốt.
– Gan dê hầm đậu đen: Gan dê 200g, đậu đen 30g, hoàng kỳ 30-60 g, hầm nhừ, ăn gan, uống nước hầm.
– Tim lợn hầm: Tim lợn 1 quả, làm sạch, bổ đôi, cho 10g ngũ vị tử vào trong, buộc lại, hầm nhừ rồi ăn. Ngoài ra, có thể dùng tim lợn 1 quả thái miếng, xào với 150g lá kỷ tử để chữa chứng hay vã mồ hôi kèm theo cảm giác hồi hộp, khó thở, dễ kinh sợ.
– Ngao nấu hẹ: Kinh nghiệm dân gian thường dùng ngao nấu canh với rau hẹ ăn hằng ngày để trị chứng ra mồ hôi trộm thể âm hư do lao phổi.
– Ngân nhĩ hấp đường phèn: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 10g rửa sạch, ngâm nước cho nở hết rồi đem hấp cách thủy với đường phèn để ăn, có tác dụng chữa chứng vô hãn.
– Cà rốt hầm đại táo: Cà rốt 250 g rửa sạch, thái mỏng, đại táo 12 g, sắc uống hằng ngày để chữa chứng vô hãn.
Với chứng hay vã mồ hôi còn nên dùng nhiều biển đậu, hạt dẻ, gan lợn, xương sống, đậu phụ, cá trạch, thịt gà, trứng gà, khiếm thực, bạch truật, đẳng sâm…
Chứng ra mồ hôi trộm nên ăn nhiều nho, tâm sen, kim anh tử, thịt vịt, cá quả, cà chua, củ mài, phổi lợn, ngân nhĩ, lạc. Chứng mồ hôi vàng ăn nhiều lê, mướp đắng, đậu xanh, xích tiểu đậu, ý dĩ, rau sam…