Giá trị chữa bệnh bất ngờ của măng
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trước đây có quan niệm cho rằng măng là một trong những đồ ăn vô bổ, thậm chí không ít người nghĩ rằng ăn măng sẽ hại máu.
Nhưng đây là một trong những loại thực phẩm rất có giá trị, nhất là khi mâm cơm có nhiều đồ bổ béo, tinh chế, thiếu chất xơ.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong 100g măng có chứa 4,1g protid (protid chứa trong măng có tới 16 loại acid amin); 0,1g lipid, 5,7g glucid; 56mg photpho; 0,1g Fe, 0,08mg caroten; 0,08 mg vitamin B1; 0,08mg vitamin B2; 0,6mg vitamin B3; 1mg vitamin C.
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP HCM cũng cho biết, măng có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể giúp ngăn ngừa, điều trị một số bệnh lý nhất định:
– Giảm cân, tốt cho người ăn kiêng: Măng là loại thực phẩm rất phù hợp cho những người đang có nhu cầu giảm cân. Chúng giàu chất xơ, giúp thỏa mãn cơn đói, chứa lượng đường và calo không đáng kể. Bên cạnh đó, tỉ lệ carbohydrate thấp hơn so với các thực phẩm giàu chất xơ khác khiến măng trở thành thực phẩm giúp giảm cân lý tưởng.
– Kiểm soát cholesterol, tốt cho tim mạch: Trong măng tre có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất như Selen, kali tốt cho sức khỏe tim mạch.
Quá trình đào thải cholesterol dư thừa còn giúp thanh lọc động mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chất xơ trong măng tre có thể giúp giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bệnh tim.
– Tăng cường hệ miễn dịch: Sự hiện diện của các vitamin thiết yếu như: A, C,E, B trong măng giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Măng tre cũng giàu chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do gây ung thư, chứa phytosterol tự nhiên giúp ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các khối u.
– Chống viêm, kháng khuẩn: Theo nhiều chuyên gia y tế, măng cũng thể hiện đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm hiệu quả, giúp giảm đau, viêm cũng như chữa lành các vết loét. Măng có thể luộc lên ăn hoặc ép lấy nước ép và bôi trực tiếp lên vết thương để giảm đau.
– Chữa các vấn đề hô hấp – dạ dày: Do có đặc tính chống viêm nên măng cũng rất hiệu quả trong việc chữa trị các vấn đề về hô hấp như khó thở, viêm phế quản, hen suyễn… Để sử dụng, bạn có thể luộc măng và thêm 1 chút mật ong để làm long đờm hiệu quả.
– Chống táo bón: Chất xơ trong măng tre có thể giúp kích thích tiêu hóa, giúp làm mềm phân và ngăn ngừa táo bón.
– Tốt cho thị lực, hệ thần kinh: Măng tre là một nguồn vitamin C, một chất chống oxi hóa mạnh mẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và cần thiết cho thị lực. Một lượng nhỏ vitamin B6 của thực phẩm này là chất quan trọng cho hoạt động của hệ thần kinh.
Những bệnh lý tránh ăn măng để không nguy hại
Bên cạnh những lợi ích cụ thể khi kết hợp măng vào khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày cũng cần biết những lưu ý trước khi ăn măng.
Măng chứa cyanide gây hại cho sức khỏe. Măng cũng có thể gây phản ứng dị ứng khi ăn vì chứa cyanogenic glycoside, một loại glycoside có thể gây ngộ độc.
Chỉ cần khoảng 200g măng tươi chưa luộc có thể gặp triệu chứng như khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, cách tốt nhất là phải ngâm và luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần mới nấu ăn.
– Người bị bệnh thận: Bệnh lý thận thường là do vi khuẩn Streptocoques gây ra hoặc mắc các bệnh khiến các mạch máu làm tổn hại đến thận như cao huyết áp, đái tháo đường. Các loại măng tây, măng tre đều giàu canxi không có lợi cho người mắc bệnh thận mãn tính và suy thận.
– Người mắc gout: Khi mắc bệnh gout, người bệnh cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng axit uric trong máu, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Các loại măng đều làm gia tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể, do vậy bệnh nhân gout cần tránh ăn các loại thực phẩm này.
– Phụ nữ mang thai: Bên cạnh những chất dinh dưỡng, khoáng chất thì trong măng cũng có một số độc tố nhất định. Trong đó nguy hiểm nhất là glucozit có khả năng sinh ra axit xyanhydric gây nôn. Nếu thai phụ dùng măng có thể gây ra tình trạng ngộ độc ở nhiều mức độ: nôn, đau bụng, đau đầu.
– Người bị đau dạ dày: Trong măng có một lượng lớn các chất xơ, chất thô rất khó tiêu hóa. Trong măng chứa lượng axit cyanhydric cao là chất độc hại cho dạ dày, làm tăng khả năng viêm loét dạ dày. Vì vậy, những người bị mắc bệnh dạ dày hoặc đường ruột thì tốt nhất hạn chế ăn măng, nếu ăn nên nhai kỹ để tránh gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hóa.
– Người có bệnh xơ gan: Măng có khả năng gây nóng gan, vì thế những người bị mắc các bệnh về gan nói chung nên hạn chế ăn măng. Đặc biệt là những ai có bệnh xơ gan.
– Trẻ em trong độ tuổi phát triển: Nếu như cho trẻ ăn măng quá nhiều, có thể dễ dẫn đến tình trạng bị thiếu canxi, gây ra còi xương, chậm lớn. Trong măng chứa chất axit oxalic có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi của cơ thể và sự hấp thu và sử dụng kẽm.
Trẻ em đang trong độ tuổi lớn nên nhu cầu về canxi của cơ thể là rất cao. Vì vậy, không nên cho trẻ ăn nhiều măng ở những giai đoạn trẻ tăng trưởng mạnh chiều cao và kích thước cơ thể.
Cách ăn măng an toàn
Để ăn măng an toàn, cách chế biến cũng góp phần làm giảm độc tố trong măng và giúp hấp thụ các giá trị dinh dưỡng từ loại thực phẩm này tốt hơn, cần lưu ý:
– Nên rửa măng nhiều lần với nước, luộc măng kỹ để giảm lượng độc tố cyanide, tránh nguy cơ hình thành axit cyanhydric và tránh gây hại cho dạ dày.
– Không ăn măng tươi quá nhiều và thường xuyên. Thành phần chất xơ trong măng tuy tốt nhưng nếu ăn nhiều và liên tục có thể tăng nguy cơ bít tắc ruột.
– Không nên ăn măng ngâm giấm hay ăn măng muối xổi. Măng ngâm giấm tuy kích thích vị giác khiến hương vị ngon miệng, dễ ăn hơn. Tuy nhiên cách chế biến này có thể tạo ra độc tố cyanide làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra nếu ngâm giấm nhưng măng chưa chua, chưa vàng thì tính độc hại càng nghiêm trọng hơn.