Trào lưu sử dụng mai mực chữa đau dạ dày
Gần đây trào lưu sử dụng mai mực làm các bài thuốc đang được chia sẻ rầm rộ trên khắp mạng xã hội.
Theo các bài viết được chia sẻ, đây là bài thuốc đông y được lưu truyền từ nhiều đời nay, có tác dụng chữa bệnh: viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ợ chua, khó tiêu… Chỉ cần cạo mai mực đã khô thành bột, sau đó trộn với tinh bột nghệ vo thành viên và uống. Hoặc tán nhỏ mai mực thành bột rắc lên vết thương để cầm máu.
Chị Đ.H. (33 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết: “Tôi mắc bệnh đau dạ dày từ nhiều năm nay nhưng bệnh vẫn chưa hết. Thấy mọi người gần đây chia sẻ có thể tán mai mực thành bột uống chữa viêm loét dạ dày hiệu quả nên muốn mua về dùng, nhưng tôi chưa biết công dụng thực sự ra sao?”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS.BS Dương Phan Nguyên Đức – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 – cho biết mai mực (hay còn gọi là ô tặc cốt) là phần “nội xương” của loài mực nang, màu trắng, nhẹ, giòn, có vị mặn của loài mực như Sepia esculenta, Sepia andreana…
Theo GS Đỗ Tất Lợi, trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, loài mực nang Sepia esculenta thường được dùng làm thuốc vì có mai lớn, dẹt, dài 10-20cm, rộng 5-8cm.
Mai mực là một vị thuốc có nhiều công dụng để chữa bệnh và phòng bệnh theo y học cổ truyền. Theo y văn, mai mực được thu từ mực bắt ngoài biển, thời gian tốt nhất để lấy là vào mùa thu hằng năm.
Sau đó được rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, rồi nghiền thành bột hoặc cắt miếng nhỏ để dùng trong các bài thuốc.
Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu cho thấy mai mực chứa nhiều thành phần quan trọng, chủ yếu là các khoảng chất và hợp chất hữu cơ.
Cụ thể như calci carbonat chiếm 85-90%, là nguồn cung cấp canxi dồi dào; calci phosphat giúp bổ sung thêm khoáng chất cần thiết; chitin và protein có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn…
Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng mai mực có nhiều công dụng y học quan trọng, trong đó nổi bật là: Khả năng trung hòa acid dạ dày, giúp giảm triệu chứng đau dạ dày, viêm loét dạ dày hiệu quả, điều trị các bệnh nhiễm trùng, viêm da, giúp cải thiện mật độ xương, phòng ngừa loãng xương hiệu quả.
Theo y học cổ truyền, mai mực có vị mặn, tính bình… được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị các bệnh lý liên quan đến chức năng của các tạng phủ này như: cầm máu, giảm đau, điều trị đau dạ dày,…
Cụ thể với bài thuốc chữa đau dạ dày gồm: mai mực 12g, bạch truật 8g, cam thảo 4g, đương quy 6g, tán thành bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần, uống trước bữa ăn.
Dược điển Việt Nam ghi nhận mai mực là một vị thuốc có nhiều công dụng trong điều trị bệnh dạ dày, cầm máu và bổ sung canxi.
Người sử dụng mai mực cần lưu ý gì?
Bác sĩ Đức cho biết thêm với những công dụng trên, mai mực là một vị thuốc quý, có thể giúp phòng và điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện có về tác dụng dược lý của mai mực chỉ mới trên các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật, chưa có thử nghiệm lâm sàng trên người.
Ngoài ra, mai mực nên được phối hợp trong các bài thuốc y học cổ truyền phù hợp để phát huy tác dụng và đảm bảo phù hợp với tình trạng của từng người bệnh.
Vì vậy việc sử dụng cần phải có chỉ định phù hợp từ bác sĩ y học cổ truyền, vì dược tính của nó khá mạnh. Sử dụng quá liều có thể gây nên tình trạng khó tiêu, táo bón.
Đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần phải cân nhắc kỹ. Đặc biệt chú ý ở người có ghi nhận tình trạng dị ứng với hải sản.
“Một số thuốc có thể tương tác với mai mực như thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, calci… vì thế không nên tự ý sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có chỉ định của chuyên gia. Tránh những biến chứng, tác dụng không mong muốn hoặc làm tình trạng bệnh nặng thêm”, bác sĩ Đức lưu ý.