Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập huấn và triển khai tại các tỉnh thành khác sử dụng sổ sức khỏe điện tử trong khám chữa bệnh cho người dân.
Sau TP.HCM và Hà Nội sẽ nhân rộng toàn quốc
Tại TP.HCM, theo tìm hiểu, phần lớn các bệnh viện công lập đều đã và đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Nhiều nơi triển khai song song với việc còn dùng sổ khám bệnh. Trước đó từ tháng 9-2022, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 3160 về việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
Mỗi người dân TP biết được thông tin sức khỏe của mình và các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin sức khỏe ban đầu nhanh chóng, chính xác.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng cho hay dự kiến có 90% người dân TP.HCM sẽ được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong thời gian tới. Đến năm 2025, mỗi người dân TP.HCM đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn TP.HCM và cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin và theo lộ trình triển khai chung của Bộ Y tế và đề án 06 của Chính phủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về hồ sơ sức khỏe điện tử, thay thế sổ khám bệnh giấy, ông Nguyễn Trường Nam – phó giám đốc Trung tâm Thông tin y tế (Bộ Y tế) – nêu rõ hồ sơ sức khỏe điện tử đang được triển khai tại một số tỉnh thành và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác khám chữa bệnh.
Ông Nam cho hay hồ sơ sức khỏe điện tử có hai vấn đề, đó là dữ liệu và ứng dụng. Trong đó có nhiều ứng dụng hiển thị dữ liệu. Một trong những ứng dụng đang thí điểm hiện nay là VNeID – sổ sức khỏe điện tử.
Dữ liệu được chia sẻ chính là dữ liệu từ Bộ Y tế đã thu thập, đồng bộ và các thông tin nền tảng công dân do Bộ Công an cung cấp.
“Hiện nay cục vẫn đang tiếp tục triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, thu thập dữ liệu về sức khỏe, bảo hiểm y tế… của người dân. Trên cơ sở đó sẽ đẩy các dữ liệu nền tảng này sang các ứng dụng, trong đó có VNeID, hiện nay và tiến tới ứng dụng này sẽ thay thế hoàn toàn sổ khám bệnh và bệnh án điện tử.
Sau khi thí điểm tại Hà Nội và một số tỉnh thành, Bộ Y tế sẽ có đánh giá tính khả thi và các yếu tố để triển khai, sau đó nhân rộng ra toàn quốc”, ông Nam thông tin.
Hoàn thành trước năm 2031 được không?
Đặt câu hỏi về việc đã triển khai 5 năm nhưng hiện vẫn trong giai đoạn thí điểm, liệu có thể hoàn thành trước năm 2031 hay không?
Ông Nam nhận định quan trọng là các bệnh viện phải quyết liệt, nhìn thấy được những hiệu quả sổ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử để chung tay thực hiện. Đồng thời cần có đầy đủ dữ liệu thông tin của công dân về bảo hiểm y tế, hồ sơ khám chữa bệnh trước đó…
“Bộ Y tế vẫn đang tích cực triển khai, tập huấn cho các cơ sở y tế để đẩy nhanh tiến độ. Khi các tỉnh thành thí điểm thành công là đã có thể vận hành hiệu quả, việc triển khai trên khắp cả nước sẽ nhanh chóng hơn”, ông Nam nhận định.
Ông Dương Huy Lương, phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cho hay lợi ích của sổ sức khỏe điện tử đã rất rõ. Đây không chỉ là ứng dụng có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề mà còn giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra để hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử là dữ liệu khám chữa bệnh của người dân. “Ban đầu các cơ quan đã tính toán để mỗi công dân đều có một sổ sức khỏe điện tử nhằm thuận tiện nhất trong việc thực hiện. Tuy nhiên để làm được điều này, tất cả công dân phải có thông tin về tình hình sức khỏe, mã số bảo hiểm y tế, tiền sử bệnh tật.
Sẽ phải có một cuộc “điều tra” sức khỏe dân số toàn dân, nghĩa là tất cả đều được đánh giá sức khỏe, kể cả những người khỏe mạnh. Với hoàn cảnh kinh tế chúng ta chưa thể thực hiện điều này, dẫn đến dữ liệu để đưa vào sổ sức khỏe còn hạn chế” – ông Lương nêu rõ.
Tuy vậy, theo ông Lương: “Sổ sức khỏe điện tử sẽ gây khó khăn cho người cao tuổi, người không sử dụng thiết bị điện tử thông minh. Vì vậy, một số đơn vị vẫn phải sử dụng sổ khám bệnh giấy”.
Sổ sức khỏe điện tử bao gồm những gì?
Tháng 5-2024, Bộ Y tế đã ban hành quyết định quy định sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng dành cho người bệnh để sử dụng khám chữa bệnh tại tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân.
Cụ thể, sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng hoặc phần mềm công nghệ thông tin để lưu trữ, cập nhật, hiển thị và tra cứu thông tin sức khỏe của cá nhân.
Thông tin về sức khỏe cá nhân gồm: các thông tin cơ bản của cá nhân; thông tin về chứng sinh; thông tin về bảo hiểm y tế; thông tin sức khỏe cá nhân cơ bản; thông tin báo tử.
Nhóm thông tin về sức khỏe cá nhân trên được dùng cho việc xây dựng kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử và triển khai sổ sức khỏe điện tử của công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nhóm thông tin về sức khỏe cá nhân trên được tích hợp vào thẻ căn cước để thực hiện việc hiển thị thông tin về sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID theo quy định.