Cùng phẫu thuật hút mỡ bụng tại các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM, liên tiếp ba người phụ nữ tuổi từ 25 đến dưới 50 (ngụ tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ và Khánh Hòa) gặp tai biến nặng (tràn dịch màng phổi, thuyên tắc mỡ, tụ máu trong mô dưới da thành bụng…) và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực.
Nhiều sự cố nghiêm trọng
Sự cố nghiêm trọng nhất là bệnh nhân nữ 33 tuổi đã tử vong sau nâng mũi bằng vật liệu silicon và sụn vành tai tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH Bệnh viện thẩm mỹ quốc tế Thailand Hospital (số 86-88 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) vào tháng 6 vừa qua.
Ngay sau khi được gây tê bằng thuốc Lidocain 2% ở vành tai người bệnh xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Nghi sốc phản vệ với Lidocain, bác sĩ phòng khám tiến hành hồi sức chống sốc và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân chuyển nặng, không qua khỏi và đã tử vong lúc tối cùng ngày.
Cùng bệnh nhân nữ tử vong trên, còn có hai sự cố y khoa khác xảy ra trong vòng bốn ngày, trong đó có một bệnh nhân hút mỡ bụng, một bệnh nhân tiêm chất làm đầy được Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận và kịp thời báo cáo về Sở Y tế TP.HCM.
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng cho biết nơi đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tai biến nội khoa sau khi tiêm chất làm đầy, botox… Theo thống kê, số lượng này tăng theo từng năm, trong đó năm 2023 là 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022 và tăng hơn rất nhiều trong hai năm 2020 và 2021 (do ảnh hưởng dịch COVID-19).
Đẩy lùi cơ sở thẩm mỹ chui
Sở Y tế đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực cùng “ngồi lại” để phân tích, đánh giá nguyên nhân và tham mưu giải pháp.
Theo bác sĩ Đinh Phương Đông – phó khoa bỏng – tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), làm đẹp là nhu cầu tất yếu của chị em phụ nữ. Ở các thành phố lớn càng nhiều cơ sở làm đẹp hơn. Nhiều nơi hoạt động không phép nhưng lại treo biển hiệu hoành tráng, lung linh, quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội nên nhiều khách hàng dễ bị nhầm lẫn.
Bên cạnh các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở làm đẹp và xử lý nghiêm khi có sai phạm, bác sĩ Phương Đông cho rằng chính người dân khi làm đẹp phải biết chọn nơi uy tín, biết rõ thứ đưa vào người là chất gì, có được Bộ Y tế chứng nhận và cấp phép không. Đồng thời người thực hiện phải được đào tạo kỹ thuật, có giấy phép hành nghề, để hạn chế việc xảy ra tai biến cho bệnh nhân.
Riêng về hút mỡ bụng, một thành viên Hội Thẩm mỹ TP.HCM cảnh báo quy trình hút mỡ bụng rất phức tạp và biến chứng có thể xảy ra thường cao so với những phẫu thuật ở vị trí khác. Trong quá trình hút rất dễ làm vỡ mạch máu rồi mỡ này chui vào mạch máu và di chuyển khắp cơ thể. Khi mỡ đến não thì gây đột quỵ não, đến tim gây nhồi máu cơ tim…, nguy cơ tử vong rất cao.
Theo vị này, tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ là tình trạng báo động nhiều năm qua. Tuy nhiên lực lượng thanh tra tại các cơ sở y tế ở nước ta còn mỏng, không đủ nhân lực nên đến nay vẫn còn nhiều cơ sở thẩm mỹ chui lộng hành. Do đó cần tăng cường thêm nhân lực, thường xuyên kiểm tra các cơ sở làm đẹp và tăng mức hình phạt để “loại trừ” các cơ sở thẩm mỹ chui.
Thời gian qua, Sở Y tế tăng cường kiểm tra và xử phạt, cho ngưng hoạt động nhiều cơ sở thẩm mỹ trái phép trên địa bàn. Lãnh đạo sở cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao để đẩy lùi các cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui, trái quy định pháp luật, góp phần tạo dựng môi trường chăm sóc sức khỏe an toàn, tin cậy cho người dân.
Kênh cho người dân tra cứu, phản ánh
Người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề trên trang tra cứu “http://thongtin.medinet.org.vn” và tra cứu thông tin công khai xử phạt vi phạm hành chính tại trang https://thanhtra.medinet.gov.vn/.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010, 0989401155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến”.