Suy giảm ham muốn sau tiêm thuốc tránh thai
Trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ Phạm Minh Ngọc, phó giám đốc Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết người phụ nữ đến khám vì không còn ham muốn tình dục với chồng.
Tất cả những lần quan hệ gần đây đều mang tâm lý chiều chồng, không có hứng thú trong cuộc yêu. Người phụ nữ lo lắng dẫn đến thường xuyên mất ngủ lo âu, giảm chất lượng cuộc sống.
Sau khi bác sĩ khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân đã có 2 con, mối quan hệ vợ chồng tốt không phải chịu những áp lực về kinh tế hay công việc, không mắc các bệnh lý nền.
Cách đây một năm vì lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nên chị đã đi tránh thai bằng thuốc tiêm. Sau tiêm 6 tháng, biểu hiện giảm ham muốn rõ rệt, mất hết động lực tình dục, không còn hứng thú suy nghĩ về chuyện “chăn gối”.
Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm mà không tự thuyên giảm, tần suất quan hệ trước đây 3-4 lần/tuần, hiện còn 1-2 lần/tháng. Kèm theo đó tất cả các lần quan hệ đều giảm tiết chất bôi trơn, khô rát âm đạo dẫn đến đau khi quan hệ.
Bệnh nhân chia sẻ, tình trạng “lệch pha” trong quan hệ tình dục với ông xã khiến vợ chồng cãi vã, bất hòa trong cuộc sống.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin.
“Việc thay đổi những chỉ số này dẫn đến tăng ức chế, giảm kích thích tình dục, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, mệt mỏi, căng thẳng bực bội khó chịu.
Sau khi thực hiện thêm các xét nghiệm, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị suy giảm ham muốn tình dục sau tiêm thuốc tránh thai. Bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt”, bác sĩ Ngọc cho hay.
Sau 2 tháng điều trị bệnh nhân đã tăng ham muốn, lấy lại được cảm hứng khi yêu, tần suất quan hệ vợ chồng lên 3 lần/tuần. Sau điều trị 3 tháng dừng hoàn toàn thuốc, bệnh nhân tái khám và cho kết quả không bị tái phát tình trạng giảm ham muốn.
Tại sao thuốc tránh thai làm giảm ham muốn?
Bác sĩ Ngọc cho hay đây là một trong những trường hợp điển hình bị suy giảm ham muốn tình dục do tác dụng phụ của việc tiêm thuốc tránh thai.
Nguyên nhân do thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp hấp thụ qua đường uống, qua âm đạo và qua da có thể làm giảm sản xuất testosterone, từ đó làm giảm ham muốn tình dục.
Tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định lên chức năng tình dục của phụ nữ như: khô âm đạo, giảm bôi trơn, các triệu chứng sàn chậu như giao hợp đau tiểu không tự chủ, đau tiền đình và viêm bàng quang kẽ.
Bên cạnh đó, thuốc tránh thai kết hợp cũng có liên quan đến những thay đổi về mặt giải phẫu dài hạn và ngắn hạn, chẳng hạn như teo âm hộ và giảm độ dày của môi bé và vùng âm đạo.
Ngoài ra, thuốc tránh thai loại này ảnh hưởng đến ức chế rụng trứng và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm ham muốn tình dục và tần suất quan hệ tình dục.
Thời gian sử dụng thuốc càng dài, sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi càng trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục của phụ nữ nhiều hơn.
“Đã có nghiên cứu cho thấy, giảm ham muốn có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Giảm ham muốn có thể làm tăng 130 – 210% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm cũng có thể làm tăng 50 – 70% nguy cơ giảm ham muốn.
57% phụ nữ đái tháo đường type 1 giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, béo phì và hội chứng chuyển hóa đều liên quan đến tăng sức cản mạch máu âm vật từ đó làm giảm kích thích tình dục ở người phụ nữ”, bác sĩ Ngọc nêu rõ.
Điều chỉnh lối sống
Theo bác sĩ Ngọc, giải pháp đầu tiên khi bệnh nhân gặp các dấu hiệu về suy giảm ham muốn tình dục là cần thay đổi lối sống kết hợp điều chỉnh chế độ ăn các nhóm thực phẩm tốt cho nội tiết tố nữ.
Phụ nữ nên duy trì tập thể dục ít nhất 4 buổi/tuần, 30 phút/buổi, giải tỏa áp lực, căng thẳng, stress, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, đi dạo, yoga, gặp gỡ bạn bè, mua sắm…
Không dùng rượu bia, các chất kích thích, không thức khuya. Về chế độ ăn, cần bổ sung phytoestrogen – đây là một estrogen thực vật có chức năng tương tự như hormone sinh dục nữ estrogen, có nhiều trong đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá đỗ.