Lần đầu tiên Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho người dân

Lễ ra mắt vắc xin sốt xuất huyết tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TP.HCM) chiều 20-9 – Ảnh: Duyên Phan

Phát biểu tại buổi ra mắt, PGS-TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – đánh giá đây là một sự kiện quan trọng và rất phấn khởi. Ông Phu hy vọng khi có vắc xin sốt xuất huyết tiêm cho người dân sẽ giảm được số ca mắc, số ca nhập viện và như vậy sẽ giảm được số ca tử vong.

Đại diện Hệ thống tiêm chủng VNVC, BS.CKI Bạch Thị Chính – giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC – bày tỏ sự xúc động khi vắc xin sốt xuất huyết đã có mặt tại Việt Nam để tiêm ngừa cho người dân. VNVC tự hào khi đã đưa vắc xin sốt xuất huyết về đến hệ thống của mình và sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết trong chiều nay.

Cũng theo bác sĩ Chính, vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5-2024.

Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng với nhà sản xuất đã nỗ lực để sớm đưa về Việt Nam. Đây là một trong những vắc xin được mong đợi hàng đầu khi mỗi năm tại Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhỏ khác nhau gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương.

Lần đầu tiên Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho người dân - Ảnh 2.

Bé Khánh Ngân (5 tuổi) đến VNVC tiêm vắc xin sốt xuất huyết – Ảnh: Duyên Phan

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng có diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ nên việc phòng bệnh rất khó khăn vì đường lây phức tạp qua muỗi truyền bệnh. Điều trị bệnh sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết hằng năm số mắc và tử vong do sốt xuất huyết vẫn cao và ngày càng lan rộng. Hàng năm sốt xuất huyết gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương.

Nhờ có vắc xin, nhiều bệnh nguy hiểm đã bị loại trừ và giảm đi hàng trăm, hàng nghìn lần ca mắc như đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt… và gần đây nhất là COVID-19.

“Vắc xin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắc xin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong”, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Lần đầu tiên Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho người dân - Ảnh 3.

Xe lạnh đạt chuẩn GSP của VNVC vận chuyển vắc xin đến các trung tâm tiêm chủng để phục vụ người dân – Ảnh: Duyên Phan

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vắc xin sốt xuất huyết của Takeda Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018 đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp.

Vắc xin sốt xuất huyết có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4). Vắc xin này có hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.

Lần đầu tiên Việt Nam triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho người dân - Ảnh 4.

Hệ thống kho lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP tại VNVC – Ảnh: Duyên Phan

Đặc biệt, loại vắc xin này có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết, điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ít nhất một lần khá cao. 

Với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước, việc tiêm vắc xin kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khỏe và tính mạng.

Ngay khi biết thông tin vắc xin sốt xuất huyết đã có mặt tại Việt Nam và bắt đầu triển khai tiêm vào chiều 20-9, đại diện hệ thống VNVC cho biết đã có nhiều công ty đã liên hệ với hệ thống VNVC để tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho hàng trăm nhân viên trong công ty.

Giá tiêm là 1.390.000 đồng/1 mũi vắc xin sốt xuất huyết.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *