Làm móng: Đừng để làm đẹp thành… làm khổ bàn tay, bàn chân

Các nhân viên làm móng thường cắt hoặc tỉa lớp biểu bì. Quá trình này có thể làm rách da – Ảnh: Tienda Compensar

Thợ làm móng đã cắt da xung quanh móng chân của anh bằng một dụng cụ nhỏ sắc nhọn. “Nhân viên này đã khoét sâu vào trong, và cảm giác rất đau”, anh nói. Sáng hôm sau, ngón chân cái ở bàn chân phải của Murgueytio đỏ và sưng lên. 

Hai tuần sau, khi anh cuối cùng cũng đến gặp bác sĩ, ngón chân đã chuyển sang màu xanh lục sẫm đáng báo động – “gần như đen”, anh nói, “và tôi hầu như không thể đi lại được”.

Rủi ro nhiễm trùng từ làm móng

Murgueytio, 40 tuổi, một huấn luyện viên cá nhân đến từ thành phố Clarksburg, Maryland, đã hồi phục sau liệu trình dùng thuốc kháng sinh kéo dài 14 ngày và được bác sĩ cảnh báo về việc anh chờ quá lâu mới đến khám, khiến nguy cơ nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Lớp biểu bì là một lớp da trong suốt, nằm dọc theo mép dưới của ngón tay hoặc ngón chân, đóng vai trò như một rào cản chống lại bụi bẩn, mảnh vụn và các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, nấm hoặc nấm men.

Các nhân viên làm móng thường cắt hoặc tỉa lớp biểu bì. Quá trình này có thể làm rách da và khiến chúng ta dễ dàng tiếp xúc với các chất gây kích ứng và vi sinh vật nguy hiểm. Theo các chuyên gia, viêm quanh móng cũng có thể xảy ra ở móng tay sau khi làm móng.

Khi mùa hè đến, mọi người thường muốn đi chân trần, đặc biệt là ở hồ bơi hoặc bãi biển. Các chuyên gia cho biết điều này có thể nguy hiểm sau khi làm móng chân, nếu lớp biểu bì mới được cắt hoặc tỉa.

“Tôi sẽ không đi chân trần trên cát”, Adam Friedman, giáo sư và chủ nhiệm khoa da liễu tại Trường Y và Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học George Washington cho biết. “Các hạt cát nhỏ có thể xâm nhập vào, gây kích ứng và viêm, đồng thời đưa vi khuẩn và các vi sinh vật khác vào”. 

Điều này đúng với bất kỳ vết cắt hở hoặc vết thương nào, không chỉ từ việc làm móng chân.

Nguy hiểm với người bị tiểu đường

Sau khi làm móng chân hoặc làm móng tay, nơi lớp biểu bì bị cắt hoặc đẩy vào, Friedman khuyên bạn nên thoa thuốc mỡ chữa lành lên nếp gấp – khu vực bên dưới lớp biểu bì ở gốc móng – để đóng vai trò như chất bịt kín chống lại vi khuẩn, với một lượng nhỏ là đủ.

Viêm quanh móng do vi khuẩn thường gây đỏ, sưng và đau xung quanh nếp gấp da của móng, đôi khi có dịch tiết giống như mủ, Olabola Awosika, bác sĩ da liễu tại Pinnacle Dermatology ở Detroit cho biết.

Bà điều trị các bệnh nhiễm trùng dạng này bằng thuốc kháng sinh đường uống và khuyên bạn nên ngâm ngón tay hoặc ngón chân trong dung dịch nước và giấm trắng theo tỉ lệ một phần giấm với hai phần nước trong 10 đến 15 phút, ba lần một ngày.

Dung dịch này vừa có tác dụng chống viêm, vừa kháng khuẩn. Các bệnh nhiễm trùng tái phát cũng có thể cần dùng steroid tại chỗ. “Với tình trạng tái phát mãn tính, có thể mất hoàn toàn lớp biểu bì và gây tổn thương vĩnh viễn cho móng liên quan, chẳng hạn như đổi màu, hở móng”, bà nói.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình bàn chân Sheldon Laps ở thủ đô Washington cho biết ông thấy nhiều vết thương ở móng do thợ làm móng “quá nhiệt tình”, “muốn đẩy lớp biểu bì trở lại và cuối cùng làm rách da”.

Ông cũng điều trị cho họ bằng thuốc kháng sinh và chỉ định ngâm tại nhà, như muối Epsom hòa tan trong nước ấm, hai lần một ngày trong 10 phút, trong năm đến bảy ngày.

“Trong những trường hợp nghiêm trọng, chúng tôi phải cắt bỏ móng chân”, ông nói, thường được thực hiện tại phòng khám.

Những bệnh nhiễm trùng này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh thần kinh ngoại biên, xảy ra khi các dây thần kinh dẫn đến bàn tay và bàn chân bị tổn thương.

Laps, cũng là phó giáo sư lâm sàng về phẫu thuật tại GW Medical Faculty Associates, cho biết người mắc các bệnh này không thể cảm thấy đau ở bàn chân do nhiễm trùng. “Họ thường không đến khám cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng, thấy mủ hoặc đỏ, hoặc ngửi thấy mùi nhiễm trùng”, ông nói.

Nếu nhiễm trùng lan đến xương dưới móng chân, được gọi là viêm tủy xương, có thể cần phải phẫu thuật, ông nói.

“Mô mềm của móng chân nằm ngay phía trên xương,” Laps giải thích. 

“Thỉnh thoảng, xương bị nhiễm trùng và chúng tôi phẫu thuật xương để làm sạch xương. Nếu không hiệu quả, chúng tôi có thể phải cắt cụt ngón chân. Trường hợp này hiếm gặp, nhưng vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên bệnh nhân tiểu đường không nên làm móng chân”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *