‘Không cứu được cháu thì cứu những người khác’

Y bác sĩ thực hiện hiến ghép tạng cho bệnh nhân từ tạng hiến bệnh nhân N.P.K. (18 tuổi, An Giang) – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trái tim, 2 quả thận, 2 lá gan và 2 giác mạc của K. đã tái sinh nhiều cuộc đời mới ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam.

Ca hiến tạng thứ 3 trong 14 năm ở miền Nam

Ngày 17-11, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã tiếp nhận anh K. nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, với chẩn đoán chết não tiềm năng. Ngay sau đó bệnh viện đã kích hoạt Chi hội vận động hiến ghép mô tạng gặp gỡ cha mẹ, ông bà nội của bệnh nhân.

Sau khi được giải thích kỹ, gia đình đã có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các tạng nhân khi bệnh nhân chết não.

Đến ngày 24-11, ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não đã thành công, đã có 7 đơn vị tạng được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.

Cụ thể, gồm 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tất cả bệnh nhân được ghép đến nay đang hồi phục rất tốt.

Túc trực tại Bệnh viện Thống Nhất 3 ngày, là người trực tiếp điều phối, liên hệ các đơn vị cho đến khâu gặp gỡ trực tiếp người nhà, ThS.BS Phạm Thị Đào, phụ trách Phòng tư vấn – điều phối ghép tạng Quốc gia, chia sẻ rất trăn trở và xúc động khi nghe lời nói từ gia đình. ThS Đào cho hay suốt 14 năm qua, đây là ca thứ 3 tại miền Nam chết não đồng ý hiến tạng, mặc dù số lượng người hiến xác nhiều, thế nhưng số người hiến chết não vẫn còn ít.

“Khi tiếp cận với bà, cha mẹ cháu rất cởi mở, mặc dù trong những lúc rất đau đớn như vậy nhưng gia đình đã nói rằng: Nếu không cứu được cháu hãy cứu những người khác”, bà Đào nói.

Sau khi gặp gỡ gia đình để vào thăm bệnh nhân lần cuối cùng, khoảng 9h40 sáng 24-11, các chuyên gia Bệnh viện Thống Nhất họp lại một lần nữa để hoàn thiện thủ tục pháp lý, đánh giá nguy cơ chết não lần cuối cùng.

Theo PGS Lê Đình Thanh – giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trong suốt quá trình đánh giá, bệnh viện hết sức cẩn thận vì phải đánh giá chết não đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 tiếng, điều này có liên quan đến tính mạng con người.

Ngay sau đó, quá trình lấy tạng đã được khẩn trương thực hiện, lực lượng cảnh sát giao thông đã túc trực sẵn, hãng bay hoãn 30 phút để kịp thời các đơn vị ghép tạng đến với người bệnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Lá gan chia đôi 2 miền, những bệnh nhân giai đoạn cuối “tái sinh”

Tròn 3 ngày, trái tim và một phần gan của anh K. đã được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức. PGS Nguyễn Quang Nghĩa, giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức, vui mừng thông báo với Tuổi Trẻ rằng cả 2 bệnh nhân đều đang hồi phục rất tốt.

BS Nghĩa nhớ lại đêm 23-11, Bệnh viện Việt Đức nhận được thông tin của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia có một bệnh nhân nam 18 tuổi tại Bệnh viện Thống Nhất. Theo điều phối của trung tâm, Bệnh viện Việt Đức sẽ được nhận tim và một phần gan của người hiến.

Sau khi rà soát danh sách chờ ghép, bệnh viện xác định có 2 trường hợp đủ điều kiện để ghép tạng. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam 31 tuổi bị bệnh cơ tim phì đại, suy tim, chức năng tim chỉ có 1/3 so với người bình thường. Trường hợp thứ hai là ca ghép gan thì phức tạp hơn. Hội đồng đã quyết định ghép phần gan cho bệnh nhân nam 69 tuổi, bị ung thư gan, trên nền xơ gan,… có chỉ định ghép ngay.

“Cả 2 trường hợp bệnh nhân đều đã ở giai đoạn cuối, và nếu không được ghép tạng thời gian sống thêm của bệnh nhân chỉ còn được tính theo tháng. Ghép tạng là biện pháp duy nhất để chữa khỏi cho bệnh nhân. Rất may mắn ngày thứ 3 sau ghép tạng cả 2 bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng. Bệnh nhân ghép tim đã tỉnh táo, sinh hoạt nhẹ nhàng. Bệnh nhân ghép gan cũng đã tỉnh táo, chức năng gan hồi phục, bệnh nhân tự vận động”, BS Nghĩa thông tin.

Còn tại phía Nam, trao đổi với Tuổi Trẻ BS Trần Công Duy Long, trưởng đơn vị ung bướu gan mật và ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay khoảng 21h tối 23-11, bệnh viện đã nhận được thông báo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia có ca chết não hiến tạng, đó là trường hợp bệnh nhân K..

“Suốt đêm thứ bảy đó hầu như chúng tôi không ngủ được, các tin nhắn tìm bệnh nhân ghép phù hợp liên tục nhảy”, BS Long nói. Qua rà soát, bệnh viện có một cháu bé 3 tuổi bị teo mật bẩm sinh, trên nền xơ gan giai đoạn cuối cần phải chờ ghép gan ngay.

“Người nhà không ai phù hợp cho gan bé, ngay cả cha và mẹ. Do vậy, chỉ cần một lần nhiễm trùng nữa bé sẽ không thể qua khỏi”, BS Long nói.

Sau lễ tri ân, nhóm ê kíp Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Dược đã phối hợp tách lá gan của anh K. đưa về 2 miền Bắc và Nam. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược, sau khi được ghép ngay trong tối cùng ngày, cháu bé đã phục hồi tốt, sáng hôm sau đã tự thở, hỏi được câu đầu tiên: “Ba đâu, mẹ đâu?”.

Lãnh đạo trung tâm ghép tạng chia sẻ mỗi một lần thực hiện ghép tạng từ người cho chết não, đó là những món quà, sự may mắn đối với người nhận. Lực lượng y bác sĩ rất trân trọng nên phải cố gắng làm sao để ca phẫu thuật thành công nhất, được sớm ghép với người cần ghép tạng.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Huế 2 ca ghép giác mạc và 2 bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất cũng đã hồi phục tốt.

Cơ hội cứu sống rất nhiều bệnh nhân khác

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đồng Văn Hệ, giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, cho hay năm 2024 số lượng rất lớn người hiến mô tạng sau chết não đã gấp đôi năm ngoái.

Năm 2023, cả nước có 14 ca hiến mô tạng sau chết não, còn năm nay cho đến thời điểm này đã có 31 ca hiến. Tại phía Bắc đã có 28 ca hiến mô tạng sau chết não nhưng tại phía Nam chỉ có 3 ca. Trong khi đó, phía Nam người hiến xác cho y học rất nhiều. Theo ông Hệ, để phát triển phong trào hiến mô tạng, quan trọng nhất là sự quan tâm của hệ thống y tế. Làm sao để đào tạo lực lượng vận động hiến mô tạng, họ phải là người tiếp cận với gia đình, có kỹ năng, có nghiệp vụ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *