Trong cuộc sống, trong công việc, tôi đã gặp rất nhiều anh chị bác sĩ mà vì tài năng, đức độ của họ để lại trong tôi những tình cảm quý mến, kính trọng. Hình ảnh và tấm lòng của họ, tôi không bao giờ quên.
Nhưng trong đội ngũ của ngành nghề cao quý ấy, đó đây, tôi cũng gặp một số trường hợp mà tôi thấy lòng mình nhói đau…
Buổi sáng hôm ấy, theo thói quen vợ tôi thường tự đo kiểm tra huyết áp. Khi thấy số đo huyết áp cao bất thường, tôi đưa vợ tôi đến bệnh viện quận cho gần. Ở đây, vợ tôi được một nữ bác sĩ khám. Bác sĩ cho đi đo điện tâm đồ. Sau khi đem kết quả lại, bác sĩ xem qua, nói: “Điện tâm đồ của cô tốt, không có gì bất thường…”.
Vị bác sĩ này vội ngồi vào bàn ghi toa thuốc, dặn dò “uống hết đến tái khám”. Nghiêm túc, chúng tôi tất bật tìm đến ba hiệu thuốc mới mua đủ được năm loại thuốc theo toa bác sĩ cho. Về nhà, vợ tôi mới lấy toa thuốc ra xem, bỗng thảng thốt, lo âu: “Sao mà bịnh dữ vầy nè?”.
Ngạc nhiên, tôi đọc lại toa thuốc và thật sự giật mình, bác sĩ ghi vợ tôi bị tám loại bệnh, trong đó có những bệnh rất xa lạ với vợ tôi, chưa hề “đụng” đến bao giờ, như “cơn đau thắt ngực…”, “đau đầu do mạch máu…”, “rối loạn chức năng tiền đình”, “viêm dạ dày – ruột và viêm đại tràng…”, “hội chứng ruột kích thích”…
Đọc toa thuốc xong, vợ tôi quyết định vứt thùng rác, không uống mớ thuốc vừa phải “kỳ công” đi mua.
Một trường hợp khác là vợ người bạn thân của tôi từ Quảng Ngãi vào, chị suýt bị mổ cột sống lưng. Chị vào Sài Gòn khám ở một bệnh viện chuyên ngành. Ở đây một bác sĩ chẩn đoán, quyết định mổ. Bệnh viện đã xếp lịch mổ, cho nằm ở hành lang đợi.
“Tôi nghe nói có bác sĩ Th. ở bệnh viện này giỏi lắm, giá mà được gặp ổng…” – chị vợ bạn tôi nói và mong mỏi được gặp bác sĩ Th. tư vấn thêm trước khi người khác mổ. Rất may, bác sĩ Th. đã nghỉ hưu, mỗi tuần chỉ vào ngày thứ tư để giúp bệnh viện mà hôm ấy lại là ngày thứ tư. Tôi đến xin gặp bác sĩ.
Tiếp tôi trong phòng làm việc, bác sĩ Th. gọi nhờ nhân viên mang hồ sơ của chị bạn tôi xuống. Coi hồ sơ xong, bác sĩ nói tôi mời chị bạn vào. Chị vào, bác sĩ yêu cầu chị thử nhón gót, đi trên các đầu ngón chân từ bên này qua bên kia. Chị đi được.
Bác sĩ lại bảo: “Giờ chị thử đi bằng hai gót chân đi”. Và chị đi qua lại hai vòng khá thong thả. Bác sĩ cười, mời chị ngồi và nói: “Chị không phải mổ xẻ gì cả. Ngày mai tôi làm giấy cho chị xuất viện”.
Mừng quá, chị lắp bắp nói lời cảm ơn, bước ra khỏi phòng bác sĩ mà hai mắt chị đỏ hoe… Bấy giờ bác sĩ Th. mới nói với tôi: “Thật đáng buồn anh ạ, không hiểu sao có nhiều trường hợp không đáng mổ tí nào mà họ cứ chỉ định mổ…”.
Xuất viện, chị về Quảng Ngãi mang theo lời dặn của bác sĩ Th., chị tập luyện và đi bơi. Nửa năm sau, có dịp tôi đến thăm vợ chồng chị. Chị khỏe mạnh và rất biết ơn bác sĩ Th..
Riêng tôi cũng từng bị thoái hóa cột sống cổ, có bác sĩ cho hàng bịch thuốc và nói: “Uống hết thuốc anh cứ đến tái khám, nếu không ổn chắc phải mổ thôi”. Nhưng lại có bác sĩ ở Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TP.HCM) hạn chế cho tôi dùng thuốc, hướng dẫn tận tình vài động tác tập. Tháng ngày qua, nghe lời vị bác sĩ này tư vấn, với niềm tin và sự kiên trì tập luyện, cơn đau ở cổ của tôi giảm dần giảm dần, biến mất từ lúc nào tôi cũng không hay.
Có những bác sĩ đã để lại trong lòng bệnh nhân lòng biết ơn sâu đậm. Họ thầm cảm ơn người bác sĩ đáng kính mà họ gặp được, nhưng cũng có những trường hợp bệnh nhân cầm bịch thuốc to ra về với tâm trạng thật bi quan.