Theo Reuters, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ là một người đàn ông 33 tuổi, người đã bị cách ly sau khi nhập viện điều trị vào ngày 12 tháng 10, theo bộ y tế bang North Rhine-Westphalia ở phía tây nước Đức.
Bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ từ Đông Phi
Trường hợp này được phát hiện tại Cologne, bộ cho biết trong một tuyên bố. Kết quả kiểm tra chi tiết hơn vào ngày 18-10 cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể clade 1b, một dạng virus mới có liên quan đến tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào tháng 8.
Đợt bùng phát hiện tại bắt nguồn từ Cộng hòa Dân chủ Congo và đã lan sang các nước láng giềng. Bộ y tế bang cho biết, bệnh nhân tại Đức được cho là đã nhiễm virus này khi ở một quốc gia Đông Phi.
“Viện Robert Koch hiện tại đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe của dân số nói chung tại Đức là thấp”, đồng thời nói thêm rằng họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ điều chỉnh đánh giá nếu cần thiết. Viện cũng lưu ý rằng tiếp xúc gần gũi về thể chất là cần thiết để lây truyền virus.
Dấu hiệu đầu tiên của việc virus lan ra ngoài châu Phi xuất hiện vào ngày 15-8 khi các quan chức y tế toàn cầu xác nhận một trường hợp nhiễm biến thể mới của virus mpox tại Thụy Điển.
Hai bệnh nhân ở Na Uy đã được chẩn đoán mắc biến thể clade 2 của virus mpox, chính quyền Oslo cho biết. Clade 2 là một dạng mpox ít nghiêm trọng hơn so với biến thể clade 1b.
Biến thể dễ lây lan
Ít nhất hàng chục quốc gia, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda, đã bị ảnh hưởng, mặc dù trước đó chưa từng ghi nhận trường hợp mắc mpox.
Từ tháng 1 đến thời điểm tuyên bố vào tháng 8, đã có hơn 15.600 ca mpox và 537 ca tử vong được báo cáo riêng tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Mpox, một bệnh virus liên quan đến bệnh đậu mùa, gây ra sốt, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết và phát ban có thể phát triển thành mụn nước, có hai phân loại chính gồm clade 1 và clade 2.
Mpox clade 1 thường gây ra nhiều trường hợp nhiễm nặng hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn so với mpox clade 2, theo các quan chức y tế Hoa Kỳ.
Từ tháng 5-2022, clade 2 đã lây lan khắp 115 quốc gia không phải là khu vực lưu hành dịch, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và lưỡng tính tại châu Âu và Hoa Kỳ, khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế vào tháng 7 năm đó.
Các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao nhận thức tại nhiều quốc gia đã giúp giảm số ca bệnh trên toàn thế giới và WHO đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 5-2023 sau khi báo cáo có 140 ca tử vong trên tổng số khoảng 87.400 ca bệnh.
Biến thể clade 1b xuất hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm ngoái. Biến thể này dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần gũi thường xuyên, bao gồm cả tiếp xúc tình dục.