Đề xuất này nằm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được nhiều người quan tâm, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).
Để hiểu rõ hơn những sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT lần này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) – đơn vị xây dựng dự thảo luật.
Giảm bớt thủ tục phiền hà cho người bệnh
* Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này có tác động trực tiếp đến người tham gia BHYT như thế nào, thưa bà?
– Trong dự thảo sửa đổi luật lần này, Bộ Y tế đề xuất 4 chính sách. Bên cạnh những chính sách nhằm đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan, bộ cũng có các chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trong đó đề xuất mở rộng thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh đúng tuyến hoặc một số trường hợp người dân đến khám chữa bệnh không thuộc nơi đăng ký ban đầu. Bổ sung thêm khám chữa bệnh BHYT tại các trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa, từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống y tế từ cơ sở.
Dự thảo cũng bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao sẽ được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.
* Việc người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được “vượt tuyến”, hiểu sao cho đúng?
– Theo quy định, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng các kỹ thuật cao (danh mục có 64 bệnh), hiện nay người dân khi muốn chuyển lên tuyến trên điều trị các bệnh này vẫn phải thực hiện theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến này có giá trị trong một năm.
Với dự thảo mới, chúng tôi sẽ lựa chọn một số loại bệnh chắc chắn người dân phải lên tuyến trên mới có thể điều trị, thay vì xin giấy chuyển tuyến trong một năm như hiện nay, người mắc những bệnh này sẽ đến thẳng tuyến trên mà vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất.
Danh mục bệnh được “vượt tuyến” sẽ được nghiên cứu cụ thể, phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối.
Như vậy sẽ thuận tiện cho người dân, đồng thời tránh phát sinh chi phí khám chữa bệnh hai lần khi vừa khám ở tuyến dưới rồi tiếp tục khám lại ở tuyến trên, tiết kiệm những chi phí không cần thiết.
Ung thư gia tăng, BHYT có giải pháp?
* Bệnh lý ung thư ngày càng tăng, trong khi chi phí điều trị cao. BHYT có tăng mức chi trả, cập nhật thuốc mới cho người bệnh không?
– Ban đầu khi xây dựng dự thảo cũng có nhiều ý kiến mở rộng phạm vi chi trả như khám sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, điều trị dinh dưỡng… nhằm giảm bớt gánh nặng ung thư trong tương lai.
Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng tại thời điểm này việc mở rộng phạm vi chi trả vẫn còn khó. Bộ đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu, khi đảm bảo cân đối quỹ thì sẽ có đề xuất tiếp theo để người dân được hưởng lợi tốt nhất.
Với việc thanh toán cho những bệnh có chi phí lớn, trong đó có các bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân ung thư là câu chuyện rất khó khăn bởi quỹ BHYT có hạn.
Hiện nay về mặt quyền lợi, BHYT quy định tỉ lệ điều kiện mức hưởng, thanh toán đồng đều với tất cả các bệnh. Người bệnh ung thư cũng vậy, sẽ được thanh toán như các bệnh lý khác. Một số thuốc điều trị ung thư mới có chi phí rất lớn nên không dễ để đưa vào BHYT chi trả ngay.
* Hiện nay nhiều người bệnh vẫn phản ảnh tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Dự thảo luật có giải pháp nào cho tình trạng này không?
– Thiếu thuốc, vật tư y tế có nhiều nguyên nhân, cũng có trường hợp khách quan như bệnh viện đã mở thầu, đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu dẫn đến thiếu thuốc. Hoặc tình trạng người bệnh khi đang điều trị phát sinh tình trạng nặng hơn, thêm bệnh lý mà tại cơ sở y tế đó không có vật tư, thuốc để điều trị.
Chúng tôi đang xây dựng hai phương án để đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh.
Thứ nhất các cơ sở có thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế với nhau. Khuyến khích thực hiện điều chuyển thuốc đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên cùng địa bàn tỉnh. Hiện nay chưa có quy định về việc điều chuyển thuốc giữa các cơ sở.
Thứ hai, trường hợp đứt gãy nguồn cung thuốc, vật tư khiến các bệnh viện đều thiếu chung, không thể chuyển bệnh nhân đi nơi khác thì sẽ cho phép mua lẻ theo từng trường hợp bệnh ở bên ngoài, không phải thực hiện đấu thầu. Trên cơ sở đó BHXH thanh toán bằng giá đấu thầu.
Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT khi thiếu thuốc, vật tư y tế. Người bệnh không phải mua ngoài mà cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị.
Hiện nay trong danh mục thuốc BHYT đã có 76 thuốc điều trị ung thư, miễn dịch, chi phí điều trị tới 7.600 tỉ đồng/năm. Thời gian tới, Bộ Y tế cũng xây dựng danh mục thuốc cập nhật, đưa các loại thuốc mới vào danh mục BHYT sau khi đánh giá tác động lên quỹ.